Công ty đã xuất khẩu được nhiều đặc sản Việt Nam như: phở, bún bò Huế, bún riêu, cá kho làng Vũ Đại... dạng đóng gói tiện lợi. Chị Mai Thị Thu Trang, đồng sáng lập K Products, chia sẻ kinh nghiệm:
Nhật Bản là một thị trường rất khắc khe trong những yêu cầu và kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, buộc nhà xuất khẩu phải hết sức kiên trì vì hồ sơ thủ tục đòi hỏi cực kỳ chi tiết.
Các loại thực phẩm chế biến có sự tham gia của nhiều thành phần nguyên liệu lại càng khó, vì kiểm dịch sẽ yêu cầu trả lời rất chi tiết về nguồn gốc của từng thành phần. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải chinh phục được người tiêu dùng. Đây là thị trường rất bảo thủ và cách tiếp cận hiệu quả vẫn là mời dùng thử sản phẩm.
Người Nhật rất thích phở Việt Nam, nhưng không phải vị phở công nghiệp mà là phở như tại các quán ăn họ được thưởng thức tại Việt Nam. Thế nên, khi K Products sản xuất được phở gói đúng hương vị họ cần thì họ sẵn sàng xếp hàng dài chờ để thử và mua.
K Products thường xuyên tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại tại Nhật Ảnh: AN NA
Về phía nhà nhập khẩu, họ không muốn mua đứt bán đoạn mà muốn nhà sản xuất đồng hành trong việc phát triển thị trường, sẵn sàng đầu tư cho DN Việt sang Nhật tham gia hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm trực tiếp với người tiêu dùng.
Đội ngũ K Products biết tiếng Nhật là một ưu thế vì thị trường này ít dùng tiếng Anh, giúp việc chuyển tải thông điệp đến người tiêu dùng dễ dàng hơn.
Đây là thị trường đòi hỏi sự đầu tư lâu dài, khách hàng nhìn nhận DN ở một quá trình hình thành và phát triển cũng như uy tín trên thương trường. Khi đã chinh phục được thì họ rất trung thành, sẵn sàng dùng chính uy tín của họ để giới thiệu thêm khách hàng cho DN.
"Khi DN đã xuất khẩu được sang thị trường Nhật thì việc chào hàng cho các thị trường khác được rút ngắn hơn rất nhiều vì có được sự tin tưởng nhất định từ đối tác" - chị Thu Trang nói.
Bình luận (0)