Ngành tư pháp, các cơ quan công quyền phải thực sự phục vụ dân
Phóng viên: Thưa Chủ tịch, với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch sẽ có chương trình như thế nào để đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó có việc cải cách tư pháp (CCTP)?
- Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Đúng là vấn đề đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là một biện pháp hết sức hệ trọng để tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự trị an của đất nước. Đảng ta đã có nhiều nghị quyết chỉ đạo vấn đề này. Đây cũng là đòi hỏi lớn của nhân dân. Tôi rất vui mừng thấy rằng về đổi mới hoạt động của Quốc hội trên mặt trận lập pháp, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước và tăng cường quyền giám sát tối cao của Quốc hội của các đại biểu Quốc hội đã có chương trình. Tôi tin tưởng chương trình đó được thực hiện tốt, sẽ đóng góp tốt, có ý nghĩa quyết định. Tôi tin rằng trong nhiệm kỳ mới, cải cách hành chính vẫn tiếp tục là một khâu rất quan trọng. Riêng đối với CCTP, đề ra tương đối chậm. Nhưng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đang có nghị quyết quan trọng và toàn quốc đang có một chương trình chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tôi sẽ dành nhiều sự quan tâm đối với CCTP, vì ngành tư pháp mà không xây dựng theo hướng công minh, phục vụ nhân dân, chống oan sai, giữ vững pháp chế và kỷ cương xã hội, thì không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, không giữ được môi trường trong sạch, lành mạnh cho mọi hoạt động của đất nước.
Chủ tịch quan tâm đến khâu nào trong CCTP?
- Trong thực hiện CCTP, điều tôi quan tâm đầu tiên là rà soát lại đội ngũ cán bộ tư pháp ở tất cả các cấp. Làm sao bồi dưỡng, khuyến khích, tạo điều kiện cho những cán bộ tốt, công minh, có thành tích. Đồng thời phải có thái độ nghiêm khắc, thậm chí kỷ luật thích đáng đối với những cán bộ tư pháp hư hỏng, thoái hóa, biến chất.
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có nói: “... Trung ương sẽ làm tất cả những gì cần thiết để tăng cường bản chất nhân dân của Nhà nước ta”. Vậy chúng ta sẽ áp dụng những biện pháp gì để thực hiện những mục tiêu này?
- Để tăng cường bản chất nhân dân của Nhà nước ta, đã từ lâu Đảng, Nhà nước đã yêu cầu phải thực sự phát huy dân chủ; làm sao tâm tư, tiếng nói, ý nguyện của nhân dân được phản ánh đến cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, của Quốc hội và trong Đảng, để việc hoạch định các chủ trương, chính sách sát hợp với thực tiễn cuộc sống, sát hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Phải làm sao xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; những người đại diện cho Nhà nước trong tất cả các cơ quan công quyền phải thực sự phục vụ nhân dân; phải chống được những công chức, cán bộ Nhà nước hư hỏng, thoái hóa, biến chất, phạm vào tham ô, tham nhũng, xa hoa, lãng phí và quan liêu với nhân dân.
Cán bộ, công chức hư hỏng, thoái hóa nên từ chức
Trả lời phóng viên tại kỳ họp trước, Chủ tịch có nói phải đưa việc cán bộ công chức (CBCC) khi có vi phạm thì từ chức trở thành một cái nếp. Trong nhiệm kỳ mới này, Chủ tịch có đề cao cơ chế trách nhiệm cá nhân?
- Không chỉ có tôi, mà rất nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều rất mong muốn đề cao việc này. Dứt khoát phải gắn trách nhiệm cá nhân của mỗi CBCC, nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính, cơ quan công quyền các cấp mà không hoàn thành nhiệm vụ thì tốt hơn hết là nên từ chức. Đừng để đến lúc rơi vào sai phạm, phải chịu kỷ luật.
Vấn đề điều hành bộ máy Nhà nước còn nhiều bất cập đã được nói đến nhiều lần. Nhiệm kỳ này, Chủ tịch có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này như “trên nói dưới không nghe” và “nói chịu trách nhiệm cá nhân” nhưng không ai chịu trách nhiệm cả?
- Điều đó đã nằm trong chương trình cải cách hành chính mà Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã công bố, đang thực hiện và tiếp tục thực hiện. Tôi nghĩ một nếp quen lâu dài không thể 1 phút, 1 giờ mà sửa xong. Vấn đề là ta phải quan tâm để thực hiện một cách liên tục.
Thưa Chủ tịch, chủ trương kê khai tài sản của CBCC đã có từ khá lâu, nhưng tiến độ thực hiện còn quá chậm. Chủ tịch có ý kiến gì về vấn đề này?
- Kê khai tài sản của CBCC, là công việc của Chính phủ. Về phía mình, tôi đã có đề nghị Chính phủ trong chương trình công tác sắp tới phải tổ chức thực hiện một cách hiệu quả, sâu hơn và từng bước biến thành nếp chung trong hệ thống tổ chức Nhà nước, trong xã hội. Chính phủ cũng thừa nhận là chậm và đang cố gắng đẩy mạnh.
Bình luận (0)