Một chuỗi siêu thị cỡ lớn ở Nhật Bản sẵn sàng tài trợ những khoản tiền lớn cho một trường đào tạo ca sĩ trẻ để trường này có thể chiêu sinh các tài năng thật sự chứ không cần bươn chải dạy ồ ạt theo kiểu thương mại hóa, ngược lại tài năng được đào tạo bài bản trong một môi trường kỹ luật cao.
Chuỗi siêu thị này cuối tuần tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ ở siêu thị của họ, có chỗ cho tài năng thể hiện, lại thu hút khách hàng trẻ, tạo dựng được văn hóa mua sắm rất đặc trưng của dân Nhật. Tất cả đều có lợi trên một tầm nhìn dài hạn theo đúng kinh tế thị trường.
Ở Việt Nam, có ai làm được như vậy không? Khó lòng. Thứ nhất ở góc độ dài hạn, ai cũng muốn ăn xổi ở thì, không ai nghĩ đến chuyện trồng người năm mười năm mới hái quả. Thứ hai, nếu có, dư luận cũng sẽ xầm xì, “thương mại hóa” chuyện dạy, “bóc lột” người học, “tầm thường hóa” nghệ thuật, vân vân…
Thế nên trong ngành giải trí, phổ biến là chuyện chạy cho ra nhà tài trợ gắn đủ kiểu lô-gô, nhãn hiệu lên phông màn các buổi biểu diễn nghệ thuật; các game show đẻ vội, tài năng không có thì thay bằng các chiêu trò câu khách lố lăng. Điều đáng buồn là nhiều người nhầm tởng những chuyện hời hợt đó chính là kinh tế thị trường, buộc lòng phải chấp nhận!
Một tâm lý xã hội bị mắc kẹt trong những giá trị cũ, mỗi khi có điều gì đụng đến các giá trị này thì nhảy dựng lên trong khi cuộc sống cứ buộc phải trôi theo quy luật thị trường nên đôi lúc nảy sinh những chuyện dở khóc dở cười.
Báo chí đưa tin: Dịch vụ cho thuê hộp ngủ ở sân bay quốc tế Nội Bài đã tạm ngừng khai thác chỉ 5 ngày sau khi khai trương. Việc ngưng này là do quyết định của lãnh đạo ngành giao thông - vận tải và Cục Hàng không.
Lý do, theo các báo là vì “trong bối cảnh các hãng hàng không trong nước liên tục chậm, hủy chuyến khiến nhiều người bức xúc mà Công ty CP Du lịch hàng không lại triển khai dịch vụ cho thuê hộp ngủ ở sân bay là không hợp lý, gây dư luận không tốt”.
Thử tưởng tượng bộ trưởng giao thông nước Mỹ hay cục trưởng hàng không nước Anh can thiệp buộc một sân bay nào đó trên hai nước này dẹp cái dịch vụ cho thuê chỗ ngủ tại sân bay vì sợ dư luận bức xúc?
Thử tưởng tượng tiếp cảnh các nghị sĩ quốc hội Mỹ bàn về việc làm sao để giảm giá bán cái bánh mì kẹp thịt ở sân bay của New York vì dư luận than dữ quá?
Thế mà ở Việt Nam các quan chức, kể cả đại biểu Quốc hội từng tìm cách để quản lý giá bán tô mì ở sân bay. Và nay quan chức can thiệp vào chuyện có nên kinh doanh buồng ngủ ở sân bay không.
Ở đây phải thấy hoàn toàn không có mối liên quan gì giữa việc chậm, hủy chuyến bay với việc kinh doanh hộp ngủ. Không lẽ hàng ngàn dịch vụ tương tự ở hàng ngàn sân bay khác đều có sự móc ngoặc sao cho càng nhiều chuyến bay chậm, hủy chuyến thì các dịch vụ ngủ, tắm, ăn uống… ở sân bay sẽ càng ăn nên làm ra. Quan chức mà sợ dư luận suy diễn theo kiểu như vậy thì còn gì là cái tầm của quan chức.
Điều quan trọng hơn, ở những nơi có nền kinh tế thị trường thật sự, các quan chức không có quyền can thiệp vào các hoạt động kinh doanh như thế cho dù các hoạt động kinh doanh này do doanh nghiệp nhà nước cung ứng. Hai chuỗi hoạt động đi theo hai con đường khác nhau, làm sao có chuyện quan chức có thẩm quyền can thiệp vào những chuyện hết sức vi mô như thế?
Phi lý nhất là chuyện dư luận (ở đây thật ra chỉ một vài ý kiến do báo chí tô đậm lên) tưởng mình có quyền ấn định giá như thế là quá cao, giá phải là như thế mới hợp lý. Đến quy luật đầu tiên của nền kinh tế thị trường là cung cầu mà chúng ta chưa tôn trọng thử hỏi đến bao giờ mới trông mong có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa ở nước ta?
Đừng trông mong doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, kinh doanh không chụp giật nếu vẫn còn tiếp diễn tình trạng quan chức có thể can thiệp vào hoạt động kinh doanh, phá vỡ mọi kế hoạch của doanh nghiệp chỉ vì… ý muốn chủ quan của bất kỳ ai đó.
Bình luận (0)