Mới đây, Sở Công Thương TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị liên ngành để xem xét, đánh giá đề xuất dự án cải tạo, nâng cấp và xây mới một số chợ trên địa bàn TP. Dự án này là của liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty CP Tập đoàn AMACCAO, Công ty CP Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam và Công ty CP Đầu tư - Phát triển hạ tầng Hoàng Thành.
Gần 500 triệu USD
Về quy mô đầu tư, liên danh đề xuất lập một dự án bao gồm tất cả các chợ có nhu cầu đầu tư, xây dựng mới giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn TP Hà Nội (tổng số 115 chợ, tổng mức đầu tư khoảng 4.600 tỉ đồng). Đối với dự án thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp và gắn với chuyển đổi mô hình quản lý chợ (tổng số 120 chợ), liên danh đề xuất 4-6 phương án (mỗi phương án xây dựng 20-30 chợ), khái toán khoảng 7.200 tỉ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư vào hệ thống chợ của Hà Nội sẽ lên tới 11.800 tỉ đồng (khoảng 500 triệu USD).
Theo đề xuất của liên danh, đây là dự án đầu tư một cách tổng thể, đồng bộ cả ở các quận nội thành và các huyện ngoại thành, cả các phường nội đô, các thị trấn và các xã vùng nông thôn khó khăn, xa trung tâm. Dự kiến, thời gian khởi công thực hiện dự án từ quý IV/2018 và hoàn thành vào quý II/2019.
Mục tiêu của dự án là nhằm đưa chợ Hà Nội trở thành điểm giao thương kinh tế phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân thủ đô, bảo đảm văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ. Chợ cũng sẽ là nơi sinh hoạt cộng đồng mang đậm văn hóa địa phương với nhiều điểm nhấn về kiến trúc và văn hóa.
Sở Công Thương TP Hà Nội đánh giá đề xuất này nếu được thực hiện sẽ góp phần mang đến diện mạo của Hà Nội khang trang, hiện đại; giúp ổn định an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và văn minh đô thị; tạo công ăn việc làm, là nơi kinh doanh buôn bán ổn định lâu dài cho các hộ tiểu thương; tạo điểm nhấn kiến trúc thu hút khách tham quan du lịch.
Một góc chợ Đồng Xuân, TP Hà Nội
Chỉ quan tâm đất "vàng"
Đánh giá về đề xuất cải tạo, xây dựng chợ nêu trên, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng TP cải tạo chợ bây giờ là quá muộn. Bởi hiện nay, TP tồn tại rất nhiều chợ bẩn thỉu, nhếch nhác, nguy cơ cháy nổ và mất an toàn thực phẩm…
Theo ông Phú, Hà Nội thời gian gần đây đã nhiều lần cải tạo chợ nhưng liên tiếp gặp thất bại do nhóm lợi ích. Vì thực tế, địa điểm đặt chợ tại Hà Nội phần lớn ở những khu đất "vàng". Chủ đầu tư chỉ quan tâm tới việc xây được công trình trên diện tích ấy để xã hội hóa đầu tư chợ, cắt ngọn cho thuê văn phòng, dịch vụ, quán bar… còn tiểu thương lại được "phân bổ" xuống tầng hầm, vừa nhếch nhác tối tăm và lại thuê với kinh phí đắt đỏ.
"Giá cho thuê sạp hoặc ki-ốt do chủ đầu tư quy định từ vài chục tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm là quá lớn, tiểu thương buôn bán hàng rau, cá thịt sao chịu nổi? Ngoài ra, bà con phải chịu quá nhiều loại thuế, phí so với những người buôn bán ở chợ cóc, chợ tạm. Do vậy, nhiều tiểu thương chấp nhận quay ra ngồi bán ở chợ cóc thay vì chợ hiện đại" - ông Phú phân tích.
Góp ý về thiết kế, cải tạo chợ, ông Phú cho rằng chỉ nên thiết kế 3 tầng là phù hợp - tầng hầm để xe, tầng 1 đồ khô, 2 tầng đồ tươi. Ngoài ra, phải làm thí điểm rồi mới nhân rộng mô hình.
Về nguồn kinh phí 500 triệu USD để xây dựng hệ thống cải tạo, xây dựng chợ, theo ông Phú là không đủ. Bởi lẽ, nếu chỉ xây dựng 1 chợ đầu mối cung cấp hàng hóa cho thủ đô đã cần hàng trăm triệu USD. "Khi làm phải công khai, minh bạch về nguồn kinh phí, phải có đại diện của tiểu thương tham gia giám sát. Cái đầu tư là phải nhiều hơn nhưng cái quản lý phải hiệu quả cao hơn trên cơ sở quy hoạch khoa học và xin ý kiến các chuyên gia" - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội - cho rằng TP ít nhất đã có 2 lần lập mạng lưới chợ và xác định rõ những chợ truyền thống thì sẽ tiếp tục phát huy giá trị. Còn một số chợ thì phải điều chỉnh lại hạ tầng kỹ thuật như xử lý rác, chất thải…
"Do vậy, cải tạo mạng lưới chợ là yêu cầu của thực tiễn và rất hoan nghênh xã hội hóa để phát huy nguồn lực. Tuy nhiên, để phù hợp, chính quyền phải xem xét điều kiện cụ thể của từng địa phương, từ đó mới quyết định cải tạo, xây dựng chợ cho phù hợp và gắn với lợi ích đời sống dân sinh" - TS Nghiêm nói.
Cần tổ chức lại chợ đầu mối
Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện nay, nhiều thực phẩm đi thẳng vào thủ đô mà không bị kiểm soát, ngăn chặn. Do vậy, cơ quan chức năng cần cải tạo và tổ chức lại các chợ đầu mối để đưa hàng các tỉnh vào quản lý.
Bình luận (0)