Theo Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng, ngày 11-3, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) phối hợp, yêu cầu hệ thống đại lý, các điểm bán hàng của Vietlott trên địa bàn cam kết không phân phối vé cho người bán lẻ để bán lại.
Khó thực hiện
Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng gặp gỡ, giám sát đối với hệ thống đại lý phân phối vé xổ số truyền thống và đưa ra các giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở, trong đó đề nghị người bán lẻ cam kết không phân phối vé xổ số điện toán dưới hình thức bán dạo. Nếu người bán lẻ tiếp tục bán vé số Vietlott sẽ bị đề nghị chấm dứt việc phân phối vé số truyền thống.
Lý do mà Đà Nẵng đưa ra là nhằm bảo đảm ổn định thị trường và tuân thủ quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số trên địa bàn.
Thế nhưng, đến ngày 16-3, ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó Tổng Giám đốc Vietlott, cho biết công ty chưa nhận được văn bản trên của UBND TP Đà Nẵng.
Theo anh Minh, chủ một điểm vé số Vietlott ở Đà Nẵng, dù biết không được phân phối vé số điện toán cho người bán dạo nhưng không thể từ chối vì họ mua đúng mệnh giá như các khách hàng khác. Còn việc họ mua để bán lại cho người khác thì cũng giống như việc họ lấy vé số truyền thống rồi bán dạo trên đường phố. “Chúng tôi không có cơ sở để xác định khách hàng nào là người mua để bán dạo. Do đó, nếu chính quyền Đà Nẵng đề nghị Vietlott yêu cầu các đại lý, chủ điểm bán vé cam kết không phân phối cho người bán lẻ để bán lại là điều không tưởng” - anh Minh nói.
Từ chối là phân biệt đối xử
Tại TP HCM, chủ một điểm bán vé ở quận 12 cho biết đội ngũ bán vé số dạo thường tập trung theo nhóm 5-10 người. Ngoài vé số truyền thống, họ còn bán vé số Vietlott để kiếm thêm thu nhập và đó không phải là kênh bán lẻ của Vietlott.
Anh Hùng - chủ một điểm bán vé số Vietlott ở quận Phú Nhuận, TP HCM - cũng cho rằng nếu từ chối cung cấp vé cho người bán dạo tức là đã phân biệt đối xử khách hàng. “Chủ điểm bán hàng không biết người mua vé số Vietlott để làm gì? Hễ ai mua đúng mệnh giá, yêu cầu in vé trực tiếp từ thiết bị đầu cuối thì người đó là khách hàng nên không thể không đáp ứng” - anh Hùng khẳng định.
Thực tế cho thấy phần lớn đối tượng bán vé số dạo là người già yếu, sức khỏe kém… hoặc không có nghề nghiệp. Thế nhưng, khi mua vé số Vietlott, họ luôn thanh toán đủ 10.000 đồng/vé. Như thế, vé số Vietlott được phân phối theo đúng quy định (vé được in ra từ thiết bị đầu cuối, đúng giá, đúng địa bàn kinh doanh). Chủ điểm bán vé không có lý do gì từ chối nhu cầu của họ. Còn việc họ mua vé Vietlott rồi bán lại cho người khác là quyền của mỗi cá nhân. Bởi vé số cũng giống như hàng hóa hợp pháp được phép chuyển nhượng, cho, tặng…
Luật sư Lê Vi, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết điều 37 Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh xổ số quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi phân phối vé số không đúng phương thức được phép. Tuy nhiên, người bán vé số dạo không phải đối tượng của nghị định này bởi không phải đơn vị kinh doanh, phân phối vé số.
Do đó, theo luật sư Lê Vi, người mua một vật có giá đã được nhà nước cấp phép (cụ thể là vé số) thì được quyền chuyển nhượng cho người khác, giá cả do hai bên thỏa thuận. “Tôi sẵn sàng đại diện cho quyền lợi của những người bán vé số dạo nếu họ bị cơ quan chức năng xử phạt, tịch thu vé số” - luật sư Lê Vi nói.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đã có văn bản gửi chính quyền các tỉnh, thành về hoạt động kinh doanh của Vietlott. Bộ Tài chính cho rằng vé số Vietlott có tính mới lạ, nhu cầu của thị trường rất lớn, nhất là tại các địa phương mà Vietlott chưa triển khai kinh doanh nên một số tổ chức, cá nhân mua đi bán lại với giá cao hơn 1.000-2.000 đồng so với mệnh giá 10.000 đồng/vé là hoạt động tự phát.
Tạm ngừng bán dạo
Một số chủ điểm bán vé số Vietlott ở Đà Nẵng cho biết sau khi thông tin cấm bán dạo vé số Vietlott được đăng tải, người bán dạo trên địa bàn bắt đầu thôi mua vé số Vietlott để bán kèm với vé số truyền thống.
Bình luận (0)