Việc cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã khiến phiên thảo luận của Quốc hội "nóng" vào chiều 26-5, khi cả hai luồng ý kiến đều đưa ra các lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ có hai luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ", vì đây là vấn đề thị trường. Cần quy định điều kiện kinh doanh chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống Tòa án, các tổ chức hòa giải các cấp, tránh vấn đề xã hội phát sinh.
Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Về vấn đề này, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Phương án 1 là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Phương án 2 là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
ĐB Trần Văn Tiến ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê - Ảnh: Quochoi.vn
Thảo luận về dự án luật, đại biểu (ĐB) Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Theo ông Tiến, loại hình này đã biến tướng, đã gây bức xúc nhức nhối cho xã hội. Tuy nhiên, do quy định về Luât đầu tư hiện hành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc kinh doanh đầu tư có điều kiện nên nếu xóa bỏ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới những đơn vị đang hoạt động.
Từ đó ĐB Tiến đề xuất phải đánh giá tác động chính sách, nghiên cứu bổ sung, hỗ trợ khi dịch vụ này chấm dứt hoạt động.
Một số ý kiến của đại biểu cũng cho rằng dịch vụ đòi nợ biến tướng, trở thành hoạt động của các băng nhóm, xã hội đen, đe dọa tính mạng người dân, trật tự an toàn xã hội, nên việc cấm dịch vụ này là hoàn toàn hợp lý.
Ở chiều ngược lại, ĐB Mai Hồng Hải (Hải Phòng) lại nêu quan điểm không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Theo ông Hải, cả ý kiến đồng tình cấm và không đồng tình đều có những lý lẽ rất thuyết phục, trong khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án, nhưng không bày tỏ quan điểm chọn phương án nào.
Vị đại biểu Hải Phòng cho rằng bên cạnh dịch vụ đòi nợ, pháp luật còn quy định nhiều cách khác nhau về xử lý nợ như ra toà, trọng tài, mua bán nợ. Tuy nhiên, thủ tục khá phức tạp, hiệu quả không cao. "Thậm chí khi bản án có hiệu lực, việc thi hành án cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, người dân tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả"- ông Hải nhấn mạnh.
ĐB Mai Hồng Hải cho biết Chính phủ đã có Nghị định 104 từ rất sớm về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng trên thực tế hoạt động này bị lạm dụng, mang màu sắc xã hội đen. Trong khi đó, nếu làm đúng những quy định như trong Nghị định 104 của Chính phủ thì không đòi được nợ.
Nêu quan điểm không nên cấm dịch vụ này, ông Hải kiến nghị rà soát, sửa đổi các quy định để tăng hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động dịch vụ đòi nợ, hoạt động xử lý nợ. Đồng thời, sửa đổi Nghị định 104, tăng cường và đảm bảo hiệu lực hoạt động đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này. Vì tính chất nhạy cảm, ông Hải kiến nghị nên đổi tên thành ngành nghề kinh doanh thu hồi nợ.
ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ - Ảnh: Quochoi.vn
Tham gia tranh luận về nội dung này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết ông đăng ký tranh luận với các ý kiến của đại biểu nhưng cũng chính là tranh luận với bản thân mình. Bởi theo ông Ngân, khi xem xét 2 phương án mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, thì cả 2 đều rất khả thi. Nhưng khi ông tham khảo luật của một số quốc gia như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc thì ông cho rằng không nên cấm dịch vụ này.
Ủng hộ phương án vẫn để kinh doanh dịch vụ đòi nợ, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị đổi tên, như một số quốc gia thường gọi là dịch vụ thu nợ hộ. Đồng thời, quy định chặt chẽ các điều kiện để hoạt động dịch vụ kinh doanh đòi nợ.
ĐB Trần Hoàng Ngân dẫn chứng các quốc gia như Thái Lan, Mỹ quy định rõ ràng thời gian doanh nghiệp được gọi điện cho khách hàng hay không được tiếp cận người thân, hàng xóm của người đang nợ tiền.
Bình luận (0)