Nhiều chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành cho biết như vậy tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ lần II năm 2017 với chủ đề: "Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng" do Ban Kinh tế trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng UBND các tỉnh, thành Đông Nam Bộ tổ chức chiều 26-9 tại TP HCM.
Theo ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế trung ương, những năm qua, vùng Đông Nam Bộ phát triển ngày càng năng động nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cụ thể, Đông Nam Bộ về cơ bản vẫn chưa chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng với giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại. Giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển chưa thực sự kết nối tốt, chưa hiện đại, chi phí cao. Chất lượng đô thị còn thấp, các khu công nghiệp chồng chéo về chức năng; các trung tâm đô thị trong vùng kém kết nối, cả về giao thông, chức năng kinh tế, dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, giữa các tỉnh, thành còn thiếu sự phối hợp, thậm chí cạnh tranh nhau về chính sách, hệ thống dịch vụ công... làm chậm hình thành không gian kinh tế vùng thống nhất. Mặc dù có Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm, Ban Chỉ đạo… nhưng các tổ chức này hoạt động kém hiệu quả do thiếu cơ chế có hiệu lực để thực thi các quyết sách được thống nhất.
TS Vũ Thành Tự Anh - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Đại học Fulbright, cho rằng vấn đề cơ bản của tăng trưởng và cơ cấu kinh tế Đông Nam Bộ hiện nay là năng suất, chủ yếu tăng trưởng nhờ vào gia tăng lao động và vốn. Bên cạnh đó, chất lượng đô thị hóa hạn chế và vùng này đang thiếu đầu tư trầm trọng. Nếu những hạn chế này không được tháo gỡ thì tốc độ tăng trưởng của Đông Nam Bộ sẽ đi xuống, cơ cấu kinh tế khó chuyển đổi và không có cơ hội bứt phá vươn lên. Vì vậy, cần có chiến lược ưu tiên đầu tư cho TP HCM và cả vùng Đông Nam Bộ.
Bình luận (0)