Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vào hôm nay (23-10) - ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Quản lý chưa phù hợp
Sau hơn 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh, mô hình Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trực thuộc Bộ Công Thương bị đánh giá không bảo đảm hiệu lực và hiệu quả, kéo dài quá trình giải quyết vụ việc. Việc tồn tại 2 cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh, gồm Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Hội đồng Cạnh tranh do Chính phủ thành lập cũng bị đánh giá là chưa phù hợp; công tác phát hiện, điều tra, xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế, trong 12 năm qua, cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh mới chỉ điều tra, xử lý được 6 vụ việc hạn chế cạnh tranh, trong đó 4 vụ bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Vụ một hãng taxi truyền thống phản đối Uber, Grab vẫn chưa được Bộ Công Thương có ý kiến cuối cùng một cách rõ ràng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bộ Công Thương thừa nhận mặc dù trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi phản cạnh tranh nhưng pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý điều chỉnh các loại hành vi thực hiện ở ngoài lãnh thổ. Vì thế, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường kinh doanh của Việt Nam là cần thiết nhằm bảo vệ cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
Không chỉ thế, ngay những vụ việc tồn tại trên thị trường trong nước cũng không được cơ quan quản lý cạnh tranh lên tiếng hay xử lý một cách rốt ráo. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận còn nhiều hiện tượng độc quyền không được kiểm soát, nhiều hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, ngăn cản doanh nghiệp khác hoạt động.
Chẳng hạn, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã từng kiến nghị khẩn cấp dừng thí điểm Uber, Grab vì "gây ra nhiều bất an cho xã hội". Hay vụ việc một hãng taxi truyền thống dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab đã được Bộ Công Thương tiếp nhận, thu thập hồ sơ để xem xét… nhưng vẫn chưa có ý kiến cuối cùng một cách rõ ràng.
Chính những tồn tại nêu trên mà Luật Cạnh tranh bắt buộc phải sửa đổi theo hướng kiểm soát, loại bỏ hành vi độc quyền; các rào cản, hạn chế mức độ cạnh tranh trên thị trường và xóa bỏ phân biệt đối xử, tiến tới tiếp cận công bằng các nguồn lực.
Bản dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo là Bộ Công Thương chắp bút với những nội dung đổi mới. Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, dự thảo có các điểm mới như mở rộng phạm vi sang điều chỉnh mọi hành vi (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế) xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam có tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam; mở rộng đối tượng áp dụng… Ngoài ra, thành lập cơ quan cạnh tranh trên cơ sở tái cơ cấu các cơ quan hiện tại gồm Hội đồng Cạnh tranh và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thành cơ quan duy nhất là Cơ quan Cạnh tranh quốc gia. Cơ quan này trực thuộc Bộ Công Thương.
Phải vận hành khách quan
Việc hợp nhất 2 cơ quan quản lý cạnh tranh thành Cơ quan Cạnh tranh quốc gia là phương án được đồng tình. Song, đặt cơ quan này ở đâu và vận hành nó như thế nào để bảo đảm khách quan, có tiếng nói độc lập lại là vấn đề còn nhiều bàn cãi.
Cho ý kiến thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tại phiên họp gần đây nhất, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng cơ quan cạnh tranh phải là tổ chức độc lập, có chức năng, nhiệm vụ được quy định trong luật do Quốc hội quy định. Khi cơ quan cạnh tranh độc lập trực thuộc Quốc hội hay Chính phủ thì chỉ cần làm theo luật mà không có vướng bận gì khác.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhìn nhận nếu thiếu một cơ quan độc lập, có đủ năng lực và nguồn lực để thực thi Luật Cạnh tranh thì rất khó để có được một thể chế thị trường cạnh tranh công bằng và minh bạch. "Nếu cơ quan quản lý cạnh tranh dính vào một bộ, kèm theo lợi ích nào khác hoặc không đủ năng lực thì không thể thực thi hiệu quả. Nếu đặt cơ quan cạnh tranh trong Bộ Công Thương, chỉ có thể chấp nhận được khi đồng thời với đó, trong luật quy định tính độc lập của nó, nghĩa là không phụ thuộc vào bộ. Còn nếu cơ quan thuộc Bộ Công Thương và lại tham mưu cho bộ trưởng bộ này thì tôi nghĩ rằng nó quá yếu và không thể thực thi được Luật Cạnh tranh" - ông Cung phân tích.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thách thức lớn của các cơ quan xây dựng chính sách pháp luật hiện nay là làm sao thành lập một cơ quan quản lý cạnh tranh vẫn nằm trong Bộ Công Thương nhưng phải bảo đảm được tính độc lập. Bởi hiện nay, Bộ Công Thương vẫn quản lý và là chủ sở hữu của nhiều tập đoàn kinh tế lớn. Nếu không làm tốt sẽ dẫn tới sự chi phối, dẫn dắt thị trường theo hướng không công bằng. "Thực ra, chúng ta có thể thiết kế một thiết chế xây dựng cơ quan cạnh tranh nằm trong Bộ Công Thương nhưng về thẩm quyền vẫn hoàn toàn độc lập. Cũng giống như cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh nằm trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng thẩm quyền, hệ thống, chức năng phải tương đối độc lập với bộ này. Tuy mong muốn có một cơ quan độc lập nhưng trong trường hợp không được thì cũng phải thiết kế một cơ quan quản lý cạnh tranh hiệu quả, có tiếng nói độc lập" - ông Tuấn nêu.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng điều quan trọng không phải là cơ quan cạnh tranh đặt ở đâu mà là nó được hoạt động như thế nào. "Nếu quy định như dự thảo gần đây nhất mà tôi được tiếp cận thì cơ quan cạnh tranh đặt tại Bộ Công Thương. Có thể quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng khi thiết kế cho nó là một cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởng Bộ Công Thương thì đi ngược lại với các thông lệ quốc tế khác" - ông Hiếu nhận xét.
Bình luận (0)