Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp (DN), sở, ngành đồng hành cùng chương trình bình ổn thị trường TP HCM (chương trình - PV) đã có nhiều góp ý tâm huyết để nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình trong thời gian tới.
Đưa dẫn chứng từ năm 2013 đến nay DN tham gia chương trình không còn được thành phố trợ vốn lãi suất 0% nhưng ngày càng nhiều DN tham gia, quy mô và mặt hàng thực hiện bình ổn càng lớn, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết thông qua cầu nối của chương trình, đặc biệt là Sở Công Thương TP, các DN được hỗ trợ rất nhiều. "Chương trình cần công bố, truyền thông rộng rãi hơn về quyền lợi của DN tham gia để thu hút thêm nhiều DN đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển mạng lưới bình ổn thị trường ở kênh chợ truyền thống; thể chế hóa quyền lợi và trách nhiệm của các bên để vận hành hiệu quả hơn" - ông Nguyễn Đăng Phú đề xuất. Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cũng kiến nghị thành phố quán triệt, quy hoạch lại để mở rộng mạng lưới bình ổn tại các chợ truyền thống, sao cho mỗi điểm bán là 1 điểm bình ổn thị trường.
Doanh nghiệp góp ý giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP HCM
Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market, thì đề xuất một số vấn đề về cách thực hiện chương trình trong giai đoạn mới. Theo ông Khôi, chương trình phát huy tốt nhiệm vụ điều tiết, cung cấp hàng hóa cho người dân TP HCM trong dịch COVID-19. Sau dịch, thị trường đã thay đổi, vì vậy cần nâng tầm chương trình cho phù hợp thực tế. Cùng với đó là đẩy mạnh trưng bày, quảng bá để làm nổi bật nhận diện thương hiệu chương trình tại các điểm bán.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết tới đây, Sở Công Thương sẽ tính toán giải pháp phát huy hơn nữa giá trị chương trình, cũng nhằm quảng bá chương trình hiệu quả hơn. Về chất lượng hàng hóa, ông Phương gợi ý phương án đưa ra 1 quy chuẩn thống nhất cho hàng hóa trong chương trình. Cụ thể, có quy chuẩn chung cho hàng hóa trong siêu thị, có khu vực cho hàng VietGAP trở lên tại các điểm bán và có quy trình kiểm soát, giám sát chặt chẽ và các sở, ngành cùng giám sát với DN để bảo đảm lượng cung cấp hàng hóa đúng chất cho người tiêu dùng.
Thay mặt Sở Công Thương, Giám đốc Bùi Tá Hoàng Vũ tiếp thu các ý kiến đóng góp. Theo ông Hoàng Vũ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Sở Công Thương năm 2022 là chuẩn bị tổng kết chương trình bình ổn thị trường và xác định hướng đi để nâng cao hiệu quả chương trình trong thời gian tới.
Bình luận (0)