Đối với dự thảo Luật Giá, ngay cả ban soạn thảo là Bộ Tài chính và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH vẫn còn lấn cấn về danh mục hàng bình ổn giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Theo dự thảo này, mặt hàng sắt thép, xi măng được “mạnh dạn” đưa ra khỏi danh sách các mặt hàng bình ổn giá với lý do nguồn cung sắt thép, xi măng hiện nay đã vượt cầu, ít có khả năng biến động lớn về giá và nguồn cung trong thời gian tới. Dự thảo cũng đưa mặt hàng điện và xăng dầu thành phẩm vào danh sách hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá để tránh gây biến động đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, bảo đảm công khai, minh bạch tạo điều kiện cho công tác quản lý và thực thi.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác lại cho rằng quy định như vậy sẽ mâu thuẫn với chủ trương phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam và vi phạm cam kết WTO.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói cần cân nhắc kỹ vấn đề này vì trong cơ chế quản lý giá, Bộ Tài chính vừa ban hành quy định đăng ký giá đã bị các Phòng Thương mại châu Âu và một số tổ chức quốc tế phản ứng rất gay gắt, cho rằng như vậy là đi trái với nguyên tắc thị trường, đi ngược thông điệp đổi mới của Việt Nam và trái với Luật Doanh nghiệp vì luật này cho phép doanh nghiệp được quyền định giá.
“Tất cả các phòng thương mại phản ứng rất mạnh về cơ chế đăng ký giá nhưng chung quy lại chủ yếu là phản ứng của doanh nghiệp sữa. Nhưng họ không chỉ ra được đã vi phạm điều khoản nào của WTO”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu trấn an như thế và cho rằng quy định này là phù hợp với luật chuyên ngành. Hơn nữa, điện và xăng dầu là ngành độc quyền, riêng lĩnh vực điện chỉ có Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm giữ nên Nhà nước phải định giá để kiểm soát, quản lý.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa không đồng tình với quan điểm này. Theo bà Thoa, trong các cam kết quốc tế, không có điều khoản nào quy định Việt Nam không được định giá nhưng không nên để Nhà nước định giá điện và giá xăng dầu để thuận theo cơ chế thị trường. Nếu cần thiết, chỉ nên để ở danh mục hàng hóa cần bình ổn giá.
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính – Ngân sách nghiên cứu kỹ việc có nên để Nhà nước quyết định giá đối với mặt hàng xăng dầu và điện hay không. Nếu xét thấy đây là mặt hàng độc quyền, Nhà nước phải định giá thì phải có cách thức phù hợp, không làm phá vỡ kinh tế thị trường và không vi phạm cam kết quốc tế.
Bình luận (0)