Niên vụ 2013-2014, do hạn hán kéo dài trong những tháng đầu năm khiến cho 45.000 ha cà phê bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có khoảng 5.000 ha bị mất trắng. Bệnh gỉ sắt bùng phát và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại một số huyện ở tỉnh Lâm Đồng. Chưa kể mưa đá làm cho trái non bị rụng nhiều. Còn tại Sơn La có 3 đợt rét đậm, rét hại và sương muối hồi cuối năm ngoái làm cho 1.300 ha cà phê bị ảnh hưởng. Rét cũng ảnh hưởng đến khu vực Tây Nguyên làm cho lá cà phê bị rụng, hoa không nở hết.
Giá xuất khẩu giảm liên tục
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2011 (giá FOB tại các cảng TP HCM) từ 2.176 USD/tấn (có thời điểm lên đến 2.498 USD/tấn) xuống còn 2.003 USD/tấn năm 2012, sang năm 2013 giảm tiếp còn 1.856 USD/tấn (có thời điểm còn 1.521 USD/tấn). Trong tháng 1-2014, giá xuất khẩu giảm tiếp còn 1.703 USD/tấn; sang tháng 2 tăng nhẹ lên 1.881 USD/tấn. So với cùng kỳ 3 năm trước, giá cà phê trong 2 tháng đầu năm nay đang ở mức thấp.
Giá cà phê xô trong nước 2 tháng đầu năm 2013 đang ở mức cao so với 2 năm trước, sau đó đã giảm mạnh còn 30.700 đồng/kg (đỉnh điểm tháng 5-2011 lên 49.900 đồng/kg). Từ tháng 3 đến tháng 5-2013, dao động từ 42.600-44.200 đồng/kg. Tuy nhiên, sang tháng 1-2014, giá giảm còn 34.000 đồng/kg; đến tháng 2 tăng lên được 36.700 đồng/kg.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2013, xuất khẩu được 1,3 triệu tấn, kim ngạch 2,7 tỉ USD, giảm 24% về khối lượng và giảm 25,9% về kim ngạch so với năm trước. Trong khi năm 2012, xuất khẩu đến 1,7 triệu tấn, kim ngạch trên 3,6 tỉ USD. Còn trong tháng 1-2014 vừa qua, xuất khẩu được 143.000 tấn (265 triệu USD), giảm 36,2% về lượng và giảm 42,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 2, xuất khẩu được 184.000 tấn, đạt 350 triệu USD,
Sản lượng giảm 15%-20%
Diện tích cây cà phê hiện có khoảng 600.000 ha, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 574.000 ha. Khu vực có diện tích trồng cây cà phê lớn như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai.
Tuy diện tích cây cà phê trong những năm qua có tăng nhưng diện tích cây cà phê già cỗi hiện nay còn khá nhiều. Trong đó, diện tích cây cà phê trên 20 năm tuổi lên đến 86.000 ha cho năng suất thấp, chất lượng không đạt tiêu chuẩn. Chưa kể còn trên 40.000 ha cây cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp, nhiều cành không cho quả, năng suất và chất lượng thấp. Như vậy, tổng diện tích già cỗi, phát triển kém lên đến 140.000-160.000 ha cần phải trồng mới và chuyển đổi trong 5-10 năm tới.
Đó cũng là lý do khiến gần đây Việt Nam phải nhập thêm cà phê của các nước Lào, Indonesia để phục vụ cho xuất khẩu. Chưa kể hiện tượng thời tiết thất thường như mưa sớm khi đang thu hoạch hoặc mưa quá nhiều làm cho trái non bị rụng. Hạn hán khi cà phê đang thời kỳ phát triển kết hợp với sâu bệnh, bệnh gỉ sắt lá, sâu đục thân và vỏ cây, phân bón không đúng chất lượng đã tác động đến năng suất và chất lượng. Niên vụ 2012-2013, sản lượng cà phê giảm mạnh trên 20%, còn niên vụ 2013-2014 này giảm đến 15%.
90% các vườn cà phê thuộc hộ cá thể, manh mún, chỉ có 10% sản xuất tập trung. Các hộ nhỏ lẻ có diện tích từ 2 ha trở xuống chiếm đến 85%, nên khó đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Hiện Việt Nam chiếm khoảng 15% sản lượng cà phê và 17% thương mại thế giới. Để ổn định cũng như phát triển bền vững cần sử dụng những giống cà phê mới cho năng suất cao, chịu hạn, có phương pháp tưới tiết kiệm.
Bình luận (0)