* Phóng viên: Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành ngày 30-1 đã nêu các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể đối với tiến trình vực dậy và tạo sức bật cho nền kinh tế. Theo ông, để thực hiện chương trình hiệu quả, các địa phương, đặc biệt là TP HCM, cần lưu ý điều gì?
- PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Nghị quyết 11/NQ-CP có ý nghĩa rất quan trọng khi đã phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng bộ - ngành để thực hiện có hiệu quả và đưa Nghị quyết 43/2022/QH15 vào cuộc sống. Riêng TP HCM, chương trình hồi phục kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 cũng đã được xây dựng.
Với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra rất cụ thể, tôi cho rằng việc tiếp theo là bộ - ngành, địa phương cần triển khai thực hiện sao cho thật sự hiệu quả với những bước đi rõ ràng.
Chẳng hạn, TP HCM hay bất cứ địa phương nào khác đều nên hình thành một ban giúp việc cho UBND tỉnh, thành với nhiệm vụ thúc đẩy, xúc tiến các chính sách đi vào cuộc sống; giúp doanh nghiệp (DN) và người dân được nhanh chóng tiếp cận những nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, như: gói cấp bù lãi suất 2% trong 2 năm; gói hỗ trợ thuế, phí; hỗ trợ an sinh xã hội; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… Lãnh đạo các địa phương vào cuộc mạnh mẽ thì DN, người dân mới có thể tiếp cận được nguồn lực của Chính phủ. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm các gói hỗ trợ được triển khai đúng mục tiêu đề ra.
* Với hàng loạt giải pháp hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới, ông có thể đánh giá tầm quan trọng của từng giải pháp cũng như tác động của nó lên triển vọng tăng trưởng kinh tế cả nước và các địa phương lớn?
- Tôi cho rằng việc quan trọng hàng đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 còn chưa được kiểm soát triệt để là các địa phương phải xây dựng được kế hoạch thích ứng an toàn, thích nghi với mọi tình huống dịch bệnh phát sinh phức tạp hơn. Hiện nay, đã có một số địa phương, ví dụ TP HCM, triển khai thích ứng với dịch bệnh khá hiệu quả. Để có thể "sống chung" an toàn với dịch, chúng ta cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm phòng chống tốt nhất với biến chủng mới nếu có. Quốc hội, Chính phủ cũng nhận định đây là giải pháp quan trọng hàng đầu khi đã phê duyệt gói ngân sách 60.000 tỉ đồng để đầu tư nâng cao năng lực y tế, phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Giải pháp quan trọng thứ 2 là nhanh chóng triển khai hiệu quả gói an sinh xã hội, giải quyết vấn đề việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiệm vụ hướng dẫn thủ tục cho vay, bảo đảm người vay được tiếp cận nguồn vốn nhanh gọn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% với hướng dẫn thật chi tiết, rõ ràng để gói này sớm đi vào cuộc sống bởi đây là chính sách có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ DN, người dân ổn định, phát triển sản xuất.
Giải quyết được các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông sẽ giúp TP HCM có động lực để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiện Chính phủ, Quốc hội và các địa phương đang đặt quyết tâm lớn trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để huy động nguồn vốn đầu tư xã hội, vốn tư nhân. Hoạt động đầu tư công cũng được triển khai rốt ráo nhằm tạo hiệu quả đồng bộ lên sự phát triển chung của kinh tế - xã hội đất nước cũng như từng địa phương.
Quý I và II năm nay có thể xem là giai đoạn chạy đà nên có thể tăng trưởng hơi chậm và sẽ tăng tốc vào 2 quý cuối năm. Nếu tình hình dịch bệnh không có bất thường quá lớn, chẳng hạn sự xuất hiện của một biến chủng nguy hại thì tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 6%-6,5% và GRDP của TP HCM dự kiến khoảng 6,5%-7%.
* Ngoài những giải pháp chung cho cả nước, TP HCM cần lưu ý triển khai những giải pháp nào để phát huy được lợi thế của địa phương đầu tàu kinh tế với nhiều đặc điểm riêng?
- Việc quan trọng nhất với TP HCM trong giai đoạn hiện nay là phải nỗ lực khôi phục được tất cả các hoạt động kinh tế có đóng góp lớn, quan trọng vào GRDP, chẳng hạn du lịch, dịch vụ. Trong đó, chú trọng các chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho DN lớn, DN thế mạnh để hồi phục nhanh chóng. Việc sớm khôi phục đường bay quốc tế song song với kiểm soát dịch bệnh hiệu quả có ý nghĩa lớn trong việc thu hút khách du lịch đến với TP HCM.
Đặc biệt hơn cả, thành phố cần nhanh chóng triển khai các nội dung cụ thể của "Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM" bởi đây là động lực mới, quan trọng cho thành phố phát triển. Song song đó, khẩn trương xây dựng đề án cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức cũng là việc cần chú trọng.
Cùng với đó, thành phố cần sớm có tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội để đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc này bên cạnh giúp thành phố có cơ chế, động lực, nguồn lực để triển khai nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng còn có tác động quan trọng đến "Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM", giúp thành phố sánh vai với các trung tâm tài chính khác trong khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, việc quyết tâm xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân cũng nằm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM bởi việc bảo đảm an sinh xã hội, cuộc sống của người lao động để giữ chân họ, giúp thành phố có nguồn lực lao động phục vụ tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng.
Ở TP HCM, điểm nghẽn về hạ tầng đã trở thành vấn đề cấp thiết cần giải quyết. Dù thành phố đóng góp tới 27% tổng thu ngân sách của cả nước nhưng đầu tư trở lại cho hạ tầng của TP HCM còn rất hạn chế. Đường Vành đai 2 vẫn trong giai đoạn phải xoay xở hết sức chật vật để có thể hoàn thiện khép kín. Vành đai 3 là tuyến huyết mạch kết nối giao thông TP HCM với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ - nơi chiếm tới 40% GDP và 40% tổng thu ngân sách của cả nước. Do đó, lãnh đạo TP HCM và các địa phương đang nhanh chóng xúc tiến việc lập đề án, xin chủ trương đầu tư và cần sớm trình Quốc hội.
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam:
Mong hỗ trợ vốn, thuế, giảm thủ tục rườm rà
Lúc này, DN TP HCM cũng như cả nước rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước, địa phương để vượt qua khó khăn, phát triển vững mạnh hơn.
Một trong những khó khăn lớn nhất của DN xuất khẩu hiện nay vẫn là cước vận tải tăng quá cao, nhất là vận tải đường biển. Hiện Chính phủ, bộ - ngành vẫn chưa có giải pháp nào giải quyết được tình trạng cước vận tải biển tăng phi mã. DN mong Chính phủ quan tâm, sớm có giải pháp can thiệp hợp lý, giúp DN xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới để đóng góp chung vào tăng trưởng của cả nước. Đặc biệt, cộng đồng DN mong Chính phủ, địa phương hỗ trợ mạnh mẽ hơn về nguồn vốn, thuế cũng như giảm bớt điều kiện kinh doanh phiền phức.
Ông NGÔ SỸ HOÀI, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam:
Cần hình thành nguồn dự trữ nguyên liệu gỗ
Không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn chung, DN ngành gỗ cũng chịu thiệt hại lớn khi giá nguyên liệu biến động mạnh trong thời gian gần đây, nhất là với các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết trước đó. Do đó, ngành gỗ rất cần sự quan tâm từ phía nhà nước trong việc hình thành các trung tâm, khu công nghiệp gỗ tại các vùng trọng điểm để tạo được nguồn dự trữ nguyên liệu gỗ đủ lớn, cũng như tạo được mối liên kết, kết nối bền vững trong các hoạt động của ngành.
Về vấn đề nguồn lao động thiếu hụt hiện nay, ngành gỗ mong nhận được sự hỗ trợ trong việc thay đổi công nghệ, ứng dụng tự động hóa. Hiện nay, đã có không ít DN ứng dụng tự động hóa nhưng chỉ thực hiện ở một số công đoạn, chưa đồng bộ. Nếu được ưu đãi vốn để thay đổi công nghệ, tự động hóa triệt để hơn, chắc chắn ngành gỗ sẽ tăng trưởng tốt sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
N.Hải ghi
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-2
Bình luận (0)