PHÓNG VIÊN: Tại hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?" trong khuôn khổ chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" 2023 do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, ông đã đề xuất giải pháp sớm thành lập sở giao dịch cà phê Việt. Ông có thể nói thêm về ý tưởng này?
- Ông TRẦN THANH HẢI: Ý tưởng thành lập một sở giao dịch cà phê để thay đổi, tạo lập giá trị cà phê Việt Nam rất quan trọng, đã được tôi ấp ủ triển khai từ năm 2014 đến nay.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, còn nếu tính cả xuất khẩu cà phê Arabica thì đứng thứ 2 thế giới. Khoảng cách của chúng ta so với Indonesia - nhà xuất khẩu thứ 3 thế giới - là rất xa khi sản lượng của nước này chỉ bằng 1/3 Việt Nam. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có khả năng chiếm lĩnh thị phần cà phê và quyết định giá cả, đủ sức chinh phục thế giới.
Tuy nhiên, bao nhiêu năm nay, giá cà phê của chúng ta đều do thị trường ở London - Anh quyết định và chi phối. Nông dân, doanh nghiệp (DN) làm cà phê của Việt Nam thường bị thua thiệt bởi giao dịch với giá trừ lùi, tức là phương thức cho phép người mua hoặc người bán chốt giá tại thời điểm nào đó trong tương lai.
Bởi vậy, chúng tôi rất tâm huyết trong việc phối hợp với thành viên của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) đề xuất thành lập Sở Giao dịch cà phê Robusta Việt Nam, tương tự Sở Giao dịch cà phê của London, Sở Giao dịch bông ở Ấn Độ hay Sàn Giao dịch dầu cọ của Malaysia...
Nếu thành lập được sở giao dịch cà phê, sản phẩm cà phê của Việt Nam liệu có thoát cảnh "được mùa, mất giá" và ngược lại không, thưa ông?
- Đây là một trong những mục tiêu khi tôi đưa ra đề xuất thành lập sở giao dịch cà phê. Khi có sàn giao dịch với sự tham gia của người mua, người bán trong nước và quốc tế cùng với việc sàn đặt ở Việt Nam nên có thể "mua tận gốc, bán tận ngọn" thì có thể hạn chế tối đa tình trạng "được mùa, mất giá".
Giai đoạn trước năm 2014, các hộ nông dân và các tổng công ty sản xuất cà phê lớn của Việt Nam từng mua bán cà phê trên sàn giao dịch thông qua 8 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thực hiện. Họ giao dịch với các hợp đồng tương lai thông qua sàn giao dịch hàng hóa ở Singapore. Như thế, chúng ta đã có kinh nghiệm thực hiện.
do Báo Người Lao Động khởi xướng, tổ chức. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiện nay, một trong những yếu tố thôi thúc triển khai tiếp đề án thành lập Sở Giao dịch cà phê Robusta Việt Nam là việc TP HCM đang xây dựng đề án Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố theo tinh thần Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, cần 4 yếu tố cấu thành, gồm: thị trường ngoại hối, thị trường vốn, thị trường hàng hóa và thị trường kỹ thuật số.
Do đó, thành lập sở giao dịch cà phê góp phần vào việc triển khai đề án nói trên. Khi thành lập sở giao dịch cà phê, rộng hơn là sàn giao dịch hàng hóa, sẽ thu hút dòng tiền trong nước và quốc tế, giúp VNĐ lên giá cũng như thúc đẩy thị trường ngoại hối, thị trường vốn phát triển.
Tuy có ý nghĩa quan trọng nhưng đến giờ, đề xuất thành lập sở giao dịch cà phê vẫn dừng lại ở mức "ấp ủ". Theo ông, khó khăn lớn nhất là gì?
- Một câu hỏi khiến tôi đau đáu suốt những năm qua. Khi bắt tay vào làm Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, chúng tôi đã được UBND tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ nhiệt tình. Chúng tôi mua lại trung tâm giao dịch cà phê cũ của tỉnh, tiến hành cổ phần hóa, bỏ vốn vào, xây dựng đề án, huấn luyện nhân sự, đi khảo sát ở Singapore, Malaysia song song với cử nhân sự sang Mỹ, châu Âu... để học hỏi kinh nghiệm.
Khi triển khai, khâu ách tắc lớn nhất liên quan đến thanh khoản và thanh toán. Để sở giao dịch cà phê hoạt động được ở quy mô quốc tế, giao dịch tiền tệ phải thực hiện theo Pháp lệnh Ngoại hối. Song song đó, cần đầu tư một số kho ngoại quan tại TP HCM và châu Âu để đặt cà phê vật chất nhằm phục vụ nhu cầu thử, mua hàng ngay của bên mua. Do mục tiêu xây dựng sở giao dịch cà phê là ở tầm vóc quốc tế nên sẽ liên quan vấn đề quản lý ngoại hối, quản lý dòng tiền và đến giờ vẫn chưa thể thực hiện.
Ông có kiến nghị cụ thể gì để có thể triển khai được đề án xây dựng sở giao dịch cà phê?
- Nghị định 51/2018 về hướng dẫn mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa chưa đề cập nội dung tháo gỡ vướng mắc liên quan quy định chuyển tiền ra - vào theo Pháp lệnh Ngoại hối. Đồng thời, chưa có quy định cho phép đầu tư xây dựng kho ngoại quan ở nước ngoài. Do đó, để sớm thành lập Sở Giao dịch cà phê Robusta Việt Nam với quy mô và tầm vóc quốc tế, tôi kiến nghị cơ quan quản lý nghiên cứu tháo gỡ khó khăn này.
Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư xây dựng một kho ngoại quan ở châu Âu bên cạnh kho ngoại quan ở TP HCM với sự hỗ trợ bảo lãnh tín dụng, tương tự chương trình kích cầu đầu tư mà TP HCM đang triển khai.
Sở giao dịch cà phê khi ra đời sẽ tạo bước đột phá cho thương hiệu cà phê Việt, góp phần thúc đẩy trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM trong tương lai.
Ông NGUYỄN ĐỨC HƯNG, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu cà phê Napoli:
Giúp nâng đẳng cấp ngành cà phê
Việc thành lập Sở Giao dịch cà phê Robusta tại Việt Nam là cần thiết, giúp nâng đẳng cấp của ngành cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế, từ đó giúp thị trường thế giới biết đến cà phê Robusta của Việt Nam nhiều hơn. Tôi đi nhiều nước và nhận thấy nhiều người nước ngoài dù dùng cà phê của Việt Nam nhưng không hề hay biết. Trong khi đó, London - Anh tuy không trồng được hạt cà phê nào lại có Sàn Giao dịch cà phê Robusta được cả thế giới biết đến, là nơi quyết định giá tham chiếu cho thị trường.
Việc thành lập sàn giao dịch cà phê cần được xúc tiến nhanh chóng và cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để sớm đi vào hoạt động. Việt Nam là nước có nhiều nông sản xuất khẩu sản lượng lớn trên thế giới nhưng chưa có sàn giao dịch nào tương xứng.
Ông NGUYỄN QUANG BÌNH, chuyên gia về thị trường cà phê:
Bài học của Sàn Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột
Là người có thời gian nghiên cứu chuyên sâu về thị trường cà phê, tôi nhận thấy các sàn giao dịch cà phê quốc tế hiện nay giống sàn giao dịch tài chính hơn là giao dịch hàng hóa, giá cả tách biệt so với thị trường hàng hóa thực sự. Có nhiều thời điểm, chỉ qua một đêm, giá cà phê thay đổi lên đến vài trăm USD/tấn trong khi nhu cầu của các nhà rang xay không có gì thay đổi.
Nếu sàn giao dịch cà phê Việt Nam hoạt động theo mô hình quốc tế thì cần phải có sự cam kết tham gia của các ngân hàng, tổ chức tài chính thì mới có thanh khoản. Nếu sàn hoạt động theo mô hình giao dịch hàng hóa thì cần xem lại bài học thất bại của Sàn Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột khi không thu hút được nông dân, DN tham gia.
Ngọc Ánh ghi
Bình luận (0)