Thời điểm cận Tết, nhu cầu giao dịch của người dân tăng cao, nhất là mua sắm trực tuyến. Theo các ngân hàng (NH), đây cũng là thời điểm hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Mới đây, một số người bán hàng qua mạng đã chia sẻ thủ đoạn của kẻ gian nhằm đánh cắp thông tin tài khoản, lấy tiền trong tài khoản NH của khách hàng.
Anh Ngọc Huy (ngụ TP Hà Nội) cho biết anh bán hàng qua mạng và mới đây, có khách đặt hàng với hoá đơn 10,54 triệu đồng, địa chỉ nhận hàng ở Nha Trang. Tuy nhiên, khách này nói đang ở nước ngoài nên không chuyển tiền qua NH thương mại mà dùng dịch vụ chuyển tiền Western Union.
"Tôi chưa từng nhận tiền qua Western Union nên khi thấy thông báo tin nhắn với nội dung có mã nhận tiền quốc tế với 10,54 triệu đồng sẽ vào tài khoản nên không nghi ngờ. Nhưng khi tin nhắn yêu cầu đăng nhập tài khoản, mật khẩu, và thậm chí... xin cả mã OTP thì tôi biết khách hàng lừa đảo" - anh Ngọc Huy chia sẻ.
Các ngân hàng liên tục khuyến cáo khách hàng cần bảo mật thông tin tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo. Ảnh: Linh Anh
Nhiều người bán hàng qua mạng cũng cho biết từng gặp trường hợp lừa đảo bằng hình thức nhận tiền qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế, thực chất là lấy cắp thông tin tài khoản, mật khẩu của người bán để lừa lấy tiền.
NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây tiếp tục cảnh báo khách hàng cần cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến dịp Tết, để tránh bị lừa đảo. Theo đó, các thủ đoạn phổ biến là mạo danh người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo và yêu cầu xác nhận thông tin. Khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc các thông tin về thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP).
"Vietcombank không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Do đó, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này" – đại diện Vietcombank cảnh báo.
Một thủ đoạn tinh vi khác khiến nhiều người sập bẫy là kẻ gian mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu, rửa tiền, mua bán ma túy và yêu cầu khách hàng chuyển tiền tới tài khoản của cơ quan công an (giả mạo) để tạm giữ, phục vụ công tác điều tra.
NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) khuyến cáo khách hàng nên thay đổi ngay lập tức mật khẩu, tên đăng nhập khi phát hiện vừa truy cập vào đường link lạ, hay vô tình cung cấp thông tin bảo mật cho người khác. Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật: tên đăng nhập, mật khẩu truy cập tài khoản trực tuyến/thẻ, mã xác thực OTP, … và không chia sẻ thiết bị lưu trữ các thông tin này cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào.
"NH không bao giờ chủ động yêu cầu khách hàng khai báo thông tin cá nhân qua điện thoại, tin nhắn, email" – đại diện Nam A Bank khẳng định.
Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới
Vào dịp cuối năm, khối lượng giao dịch trong tài khoản NH rất lớn và cũng là thời điểm các đối tượng phạm tội gia tăng hoạt động, Bộ Công an mới đây đã cảnh bảo thủ đoạn lừa đảo mới là giả mạo tin nhắn thương hiệu của NH thương mại để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.
Nội dung các tin nhắn giả mạo này luôn kèm đường dẫn đến trang web giả mạo do các đối tượng quản lý (có tên gần giống với các trang web chính thức của NH) và yêu cầu điền các thông tin như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… Khi có được thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện được các hành vi như chuyển khoản, mở thấu chi, topup thẻ tín dụng, đăng ký vay online… Do đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, bảo mật thông tin tài khoản.
Bình luận (0)