Gần đến ngày 1-7, quy định trẻ em trên 6 tuổi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm (MBH)) theo Luật Giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực, thị trường MBH nóng dần lên. Nhưng việc chọn mua MBH chất lượng, an toàn cho các thiên thần nhỏ là không đơn giản.
Đội MBH đúng quy cách không gây tổn thương cổ
Theo PGS – TS – BS Dương Minh Mẫn, Trưởng Khoa Chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy, năm 2008, bệnh viện tiếp nhận 23.618 bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, trong đó có 1.763 trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi.
Năm tháng đầu năm 2009, có 9.927 bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, trong đó có 677 trẻ em dưới 15 tuổi. Số liệu này cho thấy chấn thương sọ não do tai nạn giao thông ở trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tỉ lệ khá cao.
|
Kết quả nghiên cứu của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) cho thấy đa số những người được hỏi không muốn trẻ em đội MBH khi đi xe máy vì lo lắng trẻ sẽ bị tổn thương ở vùng cổ. Tại hội thảo quốc tế mới đây về MBH cho trẻ em diễn ra ở Hà Nội, ông Jonathon Passmore, cán bộ kỹ thuật về phòng tránh tai nạn thương tích của Tổ chức Y tế Thế giới, khẳng định: Không có cơ sở khoa học hoặc bằng chứng y tế cho thấy đội MBH vừa vặn và đúng cách làm tăng nguy cơ tổn thương cổ của trẻ em.
BS Mẫn cho biết từ trước đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy chưa ghi nhận trường hợp nào trẻ em đội MBH bị chấn thương sọ não kèm gãy cột sống cổ. Những MBH chất lượng tốt, nhẹ (trọng lượng trên dưới 100 g) đủ sức bảo vệ sọ não trẻ em khi xe chạy dưới 70 km/giờ bị tai nạn.
Chất lượng MBH trẻ em như mũ cho người lớn
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học - Công nghệ): Về tiêu chuẩn, chất lượng, MBH được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong đó không phân biệt mũ cho người lớn và trẻ em. Quy chuẩn nêu rõ yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử tương ứng với từng cỡ mũ nên có thể hiểu MBH cho trẻ em tương ứng với cỡ mũ nhỏ.
PGS –TS – BS Dương Minh Mẫn khuyến cáo, khi chọn MBH cho trẻ em, quan trọng nhất là chọn mũ có lớp mút trắng không quá mềm, vòng trong của nón vừa đầu trẻ, không quá rộng hoặc quá chật. Chọn MBH nhẹ, quai mũ chắc chắn, vỏ ngoài tròn nhẵn, được làm từ vật liệu nhẹ, dẻo (vỏ MBH giá rẻ thường được làm bằng nhựa chất lượng kém, giòn, dễ bể).
Kiểm tra độ vừa vặn của MBH cho trẻ bằng cách đưa bàn tay vào giữa đầu và MBH, nếu bàn tay lọt vào khoảng giữa da đầu và mặt trong MBH hoặc rộng hơn thì không nên mua MBH đó vì quá rộng. Trước thực trạng MBH trẻ em giá rẻ, chất lượng kém và MBH dán tem CR giả bày bán tràn lan trên thị trường, ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khu vực 3, lưu ý người tiêu dùng nên chọn loại có xuất xứ rõ ràng, có dán tem CR. Nếu cần, người tiêu dùng có thể kiểm tra trên website của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng www.tcvn.gov.vn hoặc các tổ chức chứng nhận để tìm nhãn hiệu MBH hợp quy chuẩn.
Số MBH cỡ nhỏ hợp quy chuẩn không nhiều Tính đến tháng 5-2009, cả nước có 62 cơ sở sản xuất MBH đã được chứng nhận hợp quy. Các cơ sở này sản xuất 295 kiểu MBH, 94 nhãn hiệu mũ với ba loại cỡ nhỏ, trung và lớn. Trong số này có ba doanh nghiệp công bố hợp quy chuẩn đối với MBH cỡ nhỏ (dành cho trẻ em). Số doanh nghiệp đăng ký chứng nhận hợp quy đối với MBH cho trẻ em không nhiều. Tại các cửa hàng, MBH có thương hiệu như Protec, Amoro, Honda, Yamaha... giá từ 90.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/cái được khá nhiều người quan tâm. Tại chợ đầu mối Bình Tây và các điểm bán trên lề đường, MBH trẻ em hiệu Asian, Ades... có giá từ 35.000 đồng - 50.000 đồng – 70.000 đồng/cái. Tuy nhiên, đa số MBH giá rẻ loại này được dán tem CS (loại tem này đã được thay thế bằng tem CR từ tháng 11-2008) và người bán giải thích là... chưa có MBH dán tem CR. |
Bình luận (0)