Để thực hiện kế hoạch phát triển đặc khu kinh tế (ĐKKT) Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về phát triển ĐKKT với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Singapore.
Chưa có nhà đầu tư lớn
Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Trung Quốc đã nêu mô hình ĐKKT của Thâm Quyến như một bài học thành công để chia sẻ kinh nghiệm. Thâm Quyến trước đó chỉ là một làng chài nhỏ, với cơ chế đặc thù, sau 30 năm, vùng đất này đã trở thành một trung tâm kinh tế hàng đầu và một đô thị lớn ở Trung Quốc. ĐKKT này đã thu hút hơn 30 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và được coi là một điều kỳ diệu trên thế giới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
Trong khi đó tại Việt Nam, chính sách phát triển ĐKKT đã được đặt ra từ 20 năm trước nhưng trên thực tế, đến nay vẫn chưa có ĐKKT nào được thành lập. Năm 1979, ĐKKT đầu tiên của Việt Nam là Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập nhưng đến năm 1991, mô hình này chấm dứt do thiết lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với lợi thế bờ biển dài, từ năm 1997 đến nay, cả nước có 15 khu kinh tế ven biển được thành lập với diện tích 54.000 ha. Các khu kinh tế này được áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, cao hơn so với các khu công nghiệp. Do đó đã có kết quả nhất định về thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, tuy nhiên không thu hút được các nhà đầu tư lớn có tầm cỡ toàn cầu.
Cơ hội đang rộng mở
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trung ương Đảng đã chỉ đạo xây dựng 3 đặc khu kinh tế ở 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm tạo động lực phát triển trong vùng và cả nước. Thực tế, cơ hội hình thành các ĐKKT ở Việt Nam đang rộng mở vì hiện nay mô hình đặc khu hành chính, kinh tế đã được đưa vào Hiến pháp (sửa đổi) và Quốc hội cũng đã có chương trình xây dựng luật về ĐKKT nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển các ĐKKT, hành chính trên cơ sở tận dụng lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho rằng tuy đã có chủ trương nhưng đến nay, việc thành lập các ĐKKT chưa đạt mục tiêu đề ra. Do vậy, các vấn đề như lựa chọn địa điểm, các ưu tiên phát triển, thể chế hành chính tinh gọn, hiệu quả, vai trò của người đứng đầu, cơ chế chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư… rất cần được làm rõ để có thể phát triển các ĐKKT.
Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay hầu như chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thực hiện đầu tư ở các khu kinh tế này. Một số nhà đầu tư đã thực hiện các dự án đầu tư lớn nhưng ít có dự án đầu tư với công nghệ hiện đại. Để có thể phát triển các ĐKKT, thì phải sớm xây dựng, thông qua luật về ĐKKT.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng phải có thể chế hiện đại, vượt trội thì mới có thể phát triển được ĐKKT. “Nếu không có thể chế vượt trội, liệu các nhà đầu tư nước ngoài có chọn mình hay không ?” - ông Thắng đặt câu hỏi. Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không vào Việt Nam chỉ vì những lời kêu gọi mang tính chất khẩu hiệu.
Bình luận (0)