Sáng 24-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị "Sơ kết trồng trọt vụ đông xuân 2020-2021, triển khai sản xuất vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2021 tại Nam Bộ".
Trao đổi bên lề hội nghị với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho rằng việc TP Cần Thơ có kế hoạch chi gần 30 tỉ đồng để diệt chuột thì kinh phí này không lớn.
"Lũ ĐBSCL không còn thì chắc chắn chuột gây hại thành dịch trong thời gian tới. Hiện nhiều địa phương xem loài chuột là đối tượng cần quản lý dịch dại. Còn tại Cần Thơ đưa ra dự báo, nhận định chuột là loài gây hại trong tương lai và đưa ra kế hoạch như vậy là đúng quan điểm chỉ đạo của ngành. Kinh phí như vậy không lớn đâu" - ông Thiệt nhận định.
Theo ông Thiệt, diệt chuột hay bất cứ loài gây hại nào cũng dùng biện pháp tổng hợp, ngoài phương pháp thủ công như dùng bẫy, bả diệt chuột thì biện pháp hữu hiệu nhất là làm bẫy cộng đồng. Ông Thiệt phân tích: "Làm 1 bẫy cộng đồng như vậy có thể diệt chuột trong vòng 100 ha. Cần Thơ có diện tích trồng lúa khoảng 77.000 ha, giả sử như chuột gây hại thành dịch thì với số tiền như trên không đáng là bao để xây dựng biện pháp tổng thể phòng dịch. Như vừa rồi, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, nhà nước phải bỏ ra mấy trăm tỉ đồng để hỗ trợ thuốc và giống cho nông dân".
Trả lời câu hỏi ở các địa phương khác vẫn làm tốt công tác diệt chuột nhưng kinh phí không nhiều như ở Cần Thơ, ông Thiệt cho rằng do những địa phương này nhận định chuột là đối tượng chưa gây hại thành dịch trong thời gian tới nên chưa dự trù kinh phí để xây dựng chương trình quản lý.
"Trước đây có lũ về thì ngập hết đồng ruộng, chuột sẽ tìm những mô đất cao hay những gò thì nông dân bắt tiêu diệt dễ dàng. Nay không có lũ thì chuột phân bố đồng đều ra. Loài chuột sinh sản theo cấp số nhân, nếu không có biện pháp quản lý thì chắc chắn thiệt hại lớn", ông Thiệt thông tin thêm.
Vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký ban hành kế hoạch "Phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP". Theo đó, các đơn vị phối hợp thực hiện kế hoạch này sẽ tổ chức tập huấn cho nông dân và hỗ trợ phòng trừ chuột.
Đối với cây lúa, nông dân được tập huấn 1.500 cuộc/5 năm, thời gian tập huấn 1 ngày/cuộc, mỗi cuộc có 30 nông dân tham dự; đối với cây ăn trái sẽ có 85 cuộc/5 năm. Riêng diện tích cây trồng có nguy cơ bị chuột gây hại, nông dân sẽ được hỗ trợ bẫy chuột với số lượng 22.500 chiếc bẫy chuột mỗi/năm. Trong 5 năm, sẽ hỗ trợ 112.500 chiếc bẫy chuột trên tổng diện tích 225.142 ha.
Ngoài bẫy chuột, thuốc hỗ trợ sinh học cũng được áp dụng để diệt chuột trên diện tích bị gây hại. Cụ thể, hỗ trợ 1.125 kg/năm, tổng số hỗ trợ 5 năm là 5.625 kg thuốc sinh học. Kinh phí để thực hiện kế hoạch trên là hơn 29,6 tỉ đồng. Trong đó, hơn 22,5 tỉ đồng là vốn đề xuất ngân sách TP, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.
Tại Cần Thơ, tính riêng cây lúa từ năm 2016-2020 đã có 19.415 ha lúa bị chuột phá hại, chiếm 2-3% diện tích đất sản xuất. Kế hoạch của Cần Thơ đưa ra kịch bản chuột phá hại 5% diện tích sản xuất thì tổng số tiền dự kiến phải chi để hỗ trợ người dân ứng phó với dịch là hơn 29,6 tỉ đồng trong 5 năm. Trong số này, vốn đề xuất ngân sách thành phố là hơn 22,5 tỉ đồng, còn người dân gánh phần thiệt hại hơn 7 tỉ đồng.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hè cho rằng, kinh phí trên chỉ là dự trù được tính toán dựa trên thực tế nạn chuột phá hại trong nhiều năm. Còn thực tế sẽ tùy tình hình từng năm để thực hiện, nếu năm nay phòng, chống chuột tốt thì năm sau chắc chắn nạn chuột phá hại sẽ giảm. Kế hoạch 5 năm nhưng hằng năm phải xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND TP bố trí thực hiện.
Bình luận (0)