Phương án "điện một giá" đã được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, đề xuất rút khỏi dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt tại cuộc họp của Bộ Công Thương diễn ra ngày 18-8. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng "điện một giá" còn có bất cập, chưa phù hợp với thời điểm hiện nay, sẽ nghiên cứu thêm trong giai đoạn tới khi có đầy đủ các điều kiện đi kèm.
Phương án 5 bậc vẫn chưa ổn
Với động thái trên, có thể thấy Bộ Công Thương đang tập trung xây dựng phương án biểu giá bậc thang, với việc rút ngắn từ 6 bậc như hiện hành còn 5 bậc, đồng thời điều chỉnh mức giá của từng bậc. Với biểu giá 5 bậc thang, Bộ Công Thương đang xin ý kiến. Theo đó, bậc 1 cho 1-100 KWh, giá bán bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 2 cho 101-200 KWh, giá bán bằng 108% so với giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 3 cho 201-400 KWh, giá bán bằng 141% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 4 cho 401-700 KWh, giá bán bằng 160% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 5 cho 701 KWh trở lên, giá bán bằng 168% so với giá bán lẻ điện bình quân.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết với phương án này, đa số khách hàng sử dụng dưới 600 KWh/tháng chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành từ 2.800-12.800 đồng. Trong đó, khách hàng sử dụng 400 KWh sẽ giảm được 12.800 đồng. "Riêng các khách hàng sử dụng ở mức 300 KWh, chi phí tiền điện sẽ tăng thêm khoảng 7.100 đồng/tháng do ghép bậc 201-300 KWh và 301-400 KWh thành bậc mới" - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay.
Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện phương án giá điện bậc thang Ảnh: TẤN THẠNH
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá cao sự cầu thị, lắng nghe của Bộ Công Thương trước các ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia về biểu giá bán lẻ điện. Là người đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực năng lượng cũng như quá trình xây dựng biểu giá bán lẻ điện, ông Ngô Trí Long đã nhiều lần khẳng định biểu giá điện bậc thang vẫn phù hợp nhất với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, biểu giá bậc thang vẫn đang rất phổ biển, bảo đảm được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra, đồng thời hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Dù ủng hộ biểu giá bậc thang nhưng ông Ngô Trí Long cho rằng phương án 5 bậc mà Bộ Công Thương vừa đưa ra vẫn chưa hợp lý, các bất cập của biểu giá hiện hành vẫn chưa khắc phục được. Theo phân tích của chuyên gia này, khách hàng dùng đến 400 KWh phải trả 896.200 đồng, chỉ tiết kiệm được hơn so với biểu giá hiện hành 6 bậc 12.800 đồng/tháng; dùng 500-700 KWh/tháng giảm được rất ít, không có sự thay đổi lớn so với phương án 6 bậc đang áp dụng. Về ý kiến Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nói khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 KWh sẽ phải trả thêm tiền hằng tháng so với biểu giá cũ, ông Long đánh giá điều này là chưa hợp lý khi mục tiêu là cải tiến biểu giá để không ảnh hưởng đến người dùng điện.
Nói về phương án biểu giá điện 5 bậc, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu xây dựng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện từ tháng 2-2020 và gửi lấy ý kiến của 154 bộ, ngành và cơ quan liên quan. Theo đó, có 111 ý kiến gửi về Bộ Công Thương thống nhất chọn phương án 5 bậc thang.
Tính lại bước nhảy giữa các bậc
Sau khi tiếp nhận ý kiến của người tiêu dùng, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), nhìn nhận nhiều ý kiến người dân băn khoăn bước nhảy giữa các bậc thang giá điện, có bậc nhảy dài, bậc nhảy ngắn, tỉ lệ tăng giữa các bậc khác nhau. Như bậc 2 lên bậc 3 tăng lên 33%, trong khi bậc 4 lên bậc 5 chỉ 8%. "Chúng tôi kiến nghị điều chỉnh lại để tránh tình trạng nhảy vọt giữa các bậc thang" - ông Tân nêu quan điểm.
Góp ý về cơ cấu biểu giá điện mà Bộ Công Thương đang xây dựng, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhấn mạnh biểu giá lũy tiến bậc thang là phù hợp nhất với bối cảnh hiện nay, đặc biệt sẽ có lợi cho người dùng điện. Ông Ngãi lưu ý cơ quan soạn thảo cần tính toán lại độ giãn cách giữa các bậc để làm sao bảo đảm các chính sách an sinh, khuyến khích sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng. Với phương án 5 bậc như Bộ Công Thương đang xin ý kiến, ông Trần Viết Ngãi đề xuất nên nới rộng khoảng cách lũy tiến giữa bậc thấp 1-2-3, đồng thời duy trì mức giá hợp lý để bảo đảm việc chi trả cho một bộ phận khách hàng.
Đối với một biểu giá điện sinh hoạt hợp lý, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng cần bảo đảm yếu tố chi phí cung ứng điện, thực hiện chính sách xã hội, phục vụ số đông hộ tiêu dùng điện có mức giá hợp lý, khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Mức giá bán lẻ điện bình quân 1.864,44 đồng/KWh hiện nay áp dụng cho 4 nhóm khách hàng, cho nên phải minh bạch giá bán lẻ bình quân cho từng nhóm dùng điện cụ thể, từ đó mới tính được mức giá của các bậc thang điện sinh hoạt. "Điều này nhằm bảo đảm tổng doanh thu của ngành điện chia cho số KWh điện thương phẩm 1 năm ít nhất phải bằng giá điện bình quân" - ông Long phân tích.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng nêu quan điểm biểu giá điện xây dựng phải đáp ứng yếu tố hỗ trợ người dân, hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn, đồng thời bảo đảm năng lực tài chính cho hoạt động của ngành điện và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Cũng theo ông Hoàng Quốc Vượng, biểu giá xây dựng lần này sẽ khắc phục tình trạng người dân dùng số điện tăng thêm chỉ 1,5 lần trong các tháng nắng nóng nhưng số tiền lại tăng cao tới 1,7 đến 2 lần.
Trình Chính phủ vào quý III
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giao Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trực tiếp chỉ đạo, Cục Điều tiết Điện lực chủ trì tiếp thu các ý kiến đóng góp về giá tính cho từng bậc thang cũng như khoảng cách giữa các bậc, đánh giá sự ảnh hưởng cho từng nhóm đối tượng để hoàn thiện biểu giá bán lẻ điện phù hợp nhất. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lấy ý kiến phương án giá điện bậc thang để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét vào quý III/2020.
Bình luận (0)