Trước đó, theo kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với ASF của Bộ NN-PTNT ban hành ngày 15-11-2018, việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo ra vào vùng dịch (xã có ổ dịch) và vùng bị uy hiếp (3 km xung quanh ổ dịch) bị nghiêm cấm, trừ các trại an toàn dịch bệnh (với bệnh khác) trong vòng 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy heo bệnh cuối cùng. Heo từ các trại này phải được kiểm tra và kết quả xét nghiệm âm tính với ASF thì mới được xuất ra ngoài.
Tại cuộc họp ở TP HCM ngày 25-5, ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết các tỉnh, thành phía Nam hiện có 459 cơ sở an toàn dịch bệnh, với hơn 1,2 triệu con heo, chiếm 18,5% tổng đàn, chưa đủ nguồn cung cho thị trường. Ông Lữu giải thích chủ trương cho giết mổ heo sạch tại vùng dịch nhằm giảm áp lực đàn, tránh tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi và toàn xã hội nhưng quá trình triển khai cần tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo hướng đàn heo phải được kiểm tra triệu chứng lâm sàng không mắc bệnh, xét nghiệm âm tính ASF; heo đưa về lò mổ phải tái kiểm tra trước và sau khi giết mổ mới được đưa đi tiêu thụ. Ông Bạch Đức Lữu dẫn chứng trường hợp xã Bình Minh (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) có đàn heo xấp xỉ 40.000 con buộc phải "nội bất xuất, ngoại bất nhập" do vài hộ nuôi có heo nhiễm bệnh.
"Đây là lượng heo quá lớn, không thể tiêu thụ hết tại chỗ nên người chăn nuôi rất muốn được giải phóng số heo này. Chủ trương này có 2 luồng ý kiến: tỉnh có dịch muốn được xuất bán nhưng tỉnh chưa có dịch thì không muốn vì sợ lây lan bệnh. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần chung tay để giảm tổng đàn, người nuôi không mất tiền, không phải đợi tiền đền bù. Là giải pháp mở nhưng công tác thú y phải làm rất chặt nhằm bảo đảm chống dịch nhưng không ảnh hưởng tiêu thụ thịt sạch" - ông Lữu nhìn nhận.
Trước chủ trương trên, các địa phương chưa có dịch hết sức lo lắng vì tính khả thi. Một chuyên gia trong ngành thú y cho rằng khi dịch mới xuất hiện lẻ tẻ ở phía Bắc, nếu công tác chống dịch quyết liệt hơn, như cô lập và khống chế triệt để, thì bệnh đã không lây lan đến mức 4 tháng ra 42 tỉnh, thành với 1,7 triệu con heo mắc phải. Nếu tiếp tục mở cửa cho tiêu thụ heo ở vùng dịch sẽ khó kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh hơn. Ngoài ra, nếu heo tại vùng dịch được xuất bán, người tiêu dùng sẽ lo ngại mua phải heo bệnh, dẫn đến hạn chế ăn thịt heo thì vấn đề đầu ra cho nguồn thịt này còn nan giải hơn.
Bình luận (0)