Theo ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Pacific Airlines (PA), cuối giờ chiều 2-4, Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) đã có văn bản thông báo sẽ tiếp tục nạp nhiên liệu cho tất cả các chuyến bay của PA kể từ ngày 3-4 (Báo NLĐ ra ngày 2-4 đã thông tin). PA cũng có văn bản trả lời và kiến nghị trước mắt hai bên sẽ có cuộc thương lượng trực tiếp trên tinh thần hợp tác để đạt được thỏa thuận hợp tình hợp lý. Trường hợp không đạt được tiếng nói chung sẽ đồng kiến nghị Bộ Tài chính đứng ra hiệp thương theo quy định.
Tại cuộc trao đổi với báo giới cùng ngày, ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Vinapco, cho rằng đơn vị này không đơn phương ngừng cung cấp xăng cho PA. Trong hợp đồng ký mới nhất với Vietnam Airlines (VNA) và PA ngày 31-12-2007 (khi giá nhiên liệu thế giới là 76,2 USD/thùng), Vinapco cho biết họ đều thống nhất áp dụng một mức giá 593.000 đồng/tấn. Việc PA yêu cầu được bình đẳng với VNA trong trường hợp này là không hợp lý, vì lượng nhiên liệu VNA mua mỗi năm gấp 10-12 lần PA. Vinapco có quyền ưu tiên hơn cho đối tác lâu dài là VNA.
Khi giá nhiên liệu thế giới tăng đến hơn 100 USD/thùng và giá dầu diesel trong nước cũng tăng lên, Vinapco đã có một loạt văn bản gửi PA, đồng thời mời đến đàm phán. Chính PA cũng thừa nhận rằng khi chi phí thị trường tăng, bao gồm cả giá nhiên liệu, việc điều chỉnh tăng phí cung ứng là hợp lý. Tuy nhiên, phí cung ứng phải được bình đẳng giữa các hãng hàng không nội địa. Đến ngày 28-3, Vinapco tiếp tục có văn bản đề nghị PA xem xét lại bảng phân tích chi phí thực tế để có thể chấp thuận bằng văn bản mức phí mới nhất cho quý II/2007 là 750.000 đồng trước ngày 31-3. Nếu không trả lời, Vinapco sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu cho mọi chuyến bay của PA. Đến 17 giờ ngày 31-3, khi không thấy PA trả lời, Vinapco mới ngừng cung cấp nhiên liệu. Ông Phúc cho rằng mình phải chịu trách nhiệm về tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, bảo đảm nguồn vốn của Nhà nước và thu nhập cho người lao động. “Trong hoàn cảnh này, tôi không có giải pháp nào để tự vệ” - ông Phúc nói.
Còn theo ông Lương Hoài Nam, PA không phản đối sự độc quyền của Vinapco vì đây là cơ cấu chung của nền kinh tế. Song, Vinapco phải tuân thủ đúng Luật Cạnh tranh.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không, ông Lại Thanh Bình, cho biết cục đã có công văn yêu cầu VNA chỉ đạo Vinapco không được đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu cho PA nếu không được các cơ quan thẩm quyền cho phép. Vinapco đang độc quyền cung cấp xăng dầu tại các cảng hàng không, nếu công ty đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu sẽ ảnh hưởng không chỉ PA mà còn tới hành khách, đặc biệt sẽ gây xáo trộn an ninh và hoạt động chung của cảng hàng không. Nếu không thương lượng được giá cung cấp dịch vụ xăng dầu, hai bên có quyền kiến nghị Bộ Tài chính để tổ chức hiệp thương theo quy định. Theo Cục Hàng không, chủ trương xóa bỏ độc quyền trong ngành hàng không, trong đó có lĩnh vực cung cấp xăng dầu, đã có nhưng chưa nhà đầu tư nào vào cuộc. Một cựu thành viên Hội đồng Quản trị của PA cho biết, ngay cả khi mới cơ cấu lại, Hội đồng Quản trị của PA cũng đã tính đến phương án kinh doanh xăng dầu để bớt lệ thuộc vào VNA và cung cấp cho các khách hàng khi thị trường hàng không VN phát triển thêm nhiều hãng mới, nhưng chưa thực hiện được vì lúc đó cơ chế chưa “mở”.
Vậy trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Hữu Phúc nói: “Đó là điều PA phải nghĩ vì chúng tôi đã có thông điệp gửi họ rồi. Người mua không chấp nhận giá, chúng tôi đành ngừng bán”.
Bình luận (0)