Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho biết những vụ việc lừa đảo như vậy diễn ra ngày càng nhiều dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo.
Một cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) kể chị Đ., quê ở Bến Tre làm quen với một người qua mạng xã hội ở Mỹ, xưng là sĩ quan rồi hai bên tìm hiểu, hứa hẹn sẽ cưới. Đối tượng nói có gửi cho chị này món quà, cùng 500.000 USD để mua nhà nên chị rất tin tưởng. Sau hai lần gửi tiền qua tài khoản ngân hàng để nhận quà, tổng cộng gần 40 triệu đồng nhưng chị Đ., không nhận được quà, tiền mới biết bị lừa. Thậm chí, chị còn lên chi cục hải quan đòi quà, tiền vì cho rằng người yêu đã gửi về Việt Nam.
Không ít trường hợp, nạn nhân sau khi tin tưởng chuyển tiền xong còn đến tận sân bay Tân Sơn Nhất để nhận quà, hàng gửi từ nước ngoài về. Có người từ Hà Nội bay vào, từ miền Tây lên TP HCM… Sau khi không thấy quà giá trị và tiền, có người còn đến Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để khiếu nại, "đòi" hàng, đòi quà vì cho rằng đang bị tạm giữ ở đây… Thực tế, những nạn nhân này đều bị lừa đảo với chiêu thức gần giống nhau.
Người dân nên tìm hiểu kỹ về thủ tục hải quan, không nên tin tưởng vào các mối quan hệ trên mạng xã hội để tránh bị lừa gạt. Ảnh: Linh Anh
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, từ giữa tháng 7-2016, đơn vị này đã triển khai đường dây nóng qua số điện thoại 0939.110.775 để tiếp nhận các phản ánh, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp và hành khách xuất nhập cảnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ công.
Hơn 2 năm triển khai, đường dây nóng đã tiếp nhận, xử lý kịp thời hàng ngàn phản hồi từ khách hàng, cùng các thông tin tố giác tội phạm. Trong đó, nổi lên tình trạng giả danh nhân viên hải quan sân bay để lừa đảo.
Cách thức lừa đảo phổ biến là các đối tượng tội phạm sẽ thông qua trang mạng xã hội để kết bạn, làm quen với người bị hại. Qua thời gian nói chuyện sẽ tiến tới tình cảm, hứa hẹn cưới xin rồi thông báo sẽ gửi tiền hoặc quà có giá trị lớn cho người bị hại.
Để tạo lòng tin, các đối tượng sẽ làm giả các hoá đơn gửi hàng, chụp hình tiền, quà gửi cho người bị hại. Thậm chí, trước đó chúng sẽ gửi về những món quà nhỏ như thỏi son, chai nước hoa, mỹ phẩm… để người bị hại không nghi ngờ.
Tiếp đó, có những đối tượng khác gọi điện cho người bị hại, giả danh nhân viên hải quan sân bay hoặc nhân viên kho hàng thông báo người bị hại phải nộp tiền thuế, tiền phạt để được nhận hàng, không ít người vì quá tin tưởng vào mối quan hệ trên mạng đó và đã nộp tiền mà không mảy may nghi ngờ.
Một thủ đoạn khác là các đối tượng thông báo cho người bị hại là sẽ về Việt Nam chơi kết hợp đầu tư hoặc về ra mắt gia đình… sau đó chụp hình vé máy bay (giả mạo) để hẹn người bị hại đến sân bay đón mình. Kế đến sẽ có những đối tượng khác gọi điện cho người bị hại, giả danh nhân viên hải quan sân bay thông báo đối tượng đang bị hải quan tạm giữ, phải nộp tiền phạt mới được thả người....
Tất cả trường hợp trên, các đối tượng đều thông báo cho người bị hại phải nộp tiền qua tài khoản ngân hàng của một cá nhân nào đó. Và điểm chung là người bị hại thường sinh sống rất xa sân bay Tân Sơn Nhất, không thể đến sân bay để kiểm tra nên sẽ dễ dàng nộp tiền để được gửi quà về tận nhà. Nếu người bị hại còn nghi ngờ, sẽ có người khác gọi điện xưng là nhân viên ngân hàng thúc giục nộp tiền nếu không sẽ huỷ chứng từ, trả hàng về lại nước ngoài, cộng thêm "người nhà" cũng nói phải nộp tiền gấp nên không ít người bị lừa. Có không ít trường hợp bị kẻ gian lừa nộp tiền đến 3-4 lần mới phát hiện.
Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất khẳng định nếu có bất cứ ai gọi điện thoại xưng là nhân viên hải quan yêu cầu nộp tiền thuế, tiền phạt thì tất cả đều là lừa đảo. Người dân nên tìm hiểu kỹ về thủ tục hải quan, không nên tin tưởng vào các mối quan hệ trên mạng xã hội để tránh bị lừa gạt.
Bình luận (0)