Cập nhật thị trường cho thấy, giá Bitcoin đang phi thẳng đứng, có khi cả nghìn USD mỗi ngày. Tại Việt Nam, giá các loại "coin" trong đó có Bitcoin diễn biến theo thế giới, biên độ mua vào, bán ra chêch lệch tới hàng chục triệu đồng/Bitcoin.
"Hàng trăm sàn tiền kỹ thuật số từ diễn đàn, website đến facebook kéo theo cả triệu nick người chơi các loại coin kỹ thuật số, tạm dịch là tiền ảo, trong đó có Bitcoin, đang tạo nên không khí nóng như ngày hè. Không hiểu điều gì đang xảy ra trên thị trường tiền kỹ thuật số", chuyên gia công nghệ Lê Huy Hòa (Hà Nội) nói.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định: không thừa nhận Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác là phương tiện thanh toán và do đó, mọi hành vi thanh toán bằng Bitcoin trong nền kinh tế bị cho là vi phạm pháp luật và có thể xử lý hình sự.
Biên độ co giãn khủng khiếp
Truy cập vào một sàn giao dịch, giá bán Bitcoin đang ở mức 236 triệu VND/Bitcoin (làm tròn) thì một giờ đồng hồ sau, đã vọt lên 251.037.625 VND/Bitcoin.
Đáng chú ý, sự biến động không chỉ ở giá bán, giá mua mà còn ở biên độ mua vào bán ra.
Chẳng hạn, giá bán ra, mua vào mỗi Bitcoin một giờ trước lần lượt là 251.037.625 VND - 246.055.865 VND thì một giờ sau là: 249.470.000 VND - 245.427.553 VND.
Hoặc, chưa đầy nửa giờ sau, giá lại là: 249.381.668 VND - 244.035.000 VND.
Thậm chí, ở sàn A, mức giá như trên nhưng cũng thời điểm đó ở một sàn khác, giá bán ra, mua vào lại lần lượt là 239.276.000 VND - 223.327.400 VND. Giá Bitcoin diễn biến rất phức tạp về biên độ, về mặt bằng ngay trong một sàn và cả so sánh giữa sàn này với sàn khác.
Ông Lê Huy Hòa cho biết thêm, trên thị trường hiện nay, thế giới tiền ảo có một đời sống cực kỳ nhộn nhạo, hầu như ai cũng có thể tham gia mà không gặp bất cứ rào cản nào.
Thực tế diễn ra đúng như nhận định của chuyên gia này. Chỉ cần truy cập vào một sàn bất kỳ, điền vài thông số cơ bản như họ tên, e-mail, số điện thoại... là có thể tham gia thông qua vài bước đơn giản: đăng ký để sở hữu tài khoản/nạp tiền đồng và tiến hành mua Bitcoin.
Sau khi mua, chủ sàn sẽ gửi Bitcoin vào tài khoản; người chơi bắt đầu mua/bán và tham gia sâu hơn vào các hoạt động khác: góp tiền cho một ai đó dưới dạng ủy thác đầu tư Bitcoin. Cách thức ủy thác cũng vô cùng đơn giản: một người đứng ra kêu gọi góp tiền, các nhà đầu tư khác góp vào nhưng đáng lưu ý, trong số những người góp, có cả "chim mồi" cùng hội, cùng thuyền.
Sau khi gom tiền; thậm chí, người đứng đầu nhóm cam kết trả lãi và đến một thời hạn nhất định, nếu không muốn đầu tư tiếp có thể rút ra.
Với cách thức lấy tiền "ủy thác" người sau, trả lãi người "ủy thác" trước, hình thức này giống hệt như các vụ lừa đảo góp vốn, ủy thác đầu tư chứng khoán, bất động sản từng phải hầu tòa trong thời gian qua.
Chưa rõ là "tiền" hay "hàng"
Hiện tại, xung quanh vấn đề quản lý tiền ảo, trong một thông báo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước viện dẫn Bộ luật Hình sự và các văn bản liên quan khẳng định: không thừa nhận Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác là phương tiện thanh toán và do đó, mọi hành vi thanh toán bằng Bitcoin trong nền kinh tế bị cho là vi phạm pháp luật và có thể xử lý hình sự.
Cùng đó, mức phạt với hành vi giao dịch thanh toán bằng Bitcoin vào 1/1/2018 có thể tối đa 200 triệu đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, đang tồn tại những vấn đề khác mà hoạt động quản lý rất khó đụng đến. Đó là, hiện chưa có khái niệm rõ ràng về mặt pháp lý rằng "coin" nói chung và Bitcoin nói riêng là "tiền" hay "hàng".
Một sàn giao dịch Bitcoin đưa ra lập luận trấn an thị trường: Bitcoin không phải tiền, không phải phương tiện thanh toán, nên không bị điều chỉnh bởi các văn bản pháp quy hiện hành. Họ sẵn sàng niêm yết Bitcoin bằng VND nên không phạm bất cứ luật nào, người chơi cứ yên tâm.
Song song với đó, hoạt động tiền ảo còn tồn tại nhiều hình thức khác được ẩn nấp dưới các giao dịch hợp đồng kinh tế như "ủy thác đầu tư", "góp vốn". Ở các hợp đồng này, chủ đầu tư đưa ra vô số trấn an rủi ro như "cho phép rút gốc khi không muốn đầu tư tiếp".
Tuy nhiên, khi đã "ôm" được một số tiền kha khá, rủi ro là người đứng đầu nhóm có thể bỏ trốn. Vụ việc mà cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang vừa bắt giữ một nhóm vào ngày 27/11 diễn ra tương tự như vậy.
Theo một luật sư, với những hợp đồng như nêu trên, không thể quy kết chủ nhóm và người tham gia vào bất cứ tội danh nào. Sự việc chỉ đến khi cơ quan chứng minh được người đứng đầu ôm tiền bỏ trốn thì mới có thể quy kết vi phạm luật hình sự. Nhưng như vậy thì mọi chuyện cũng đã muộn.
Chuyên gia Lê Huy Hòa lo ngại, thị trường tiền ảo đang tồn tại những hình thức lừa đảo, biến tướng như đa cấp. Tại đó, nguy hiểm nhất là giới trẻ, trong đó có cả sinh viên, bỏ phần lớn thời gian để "cày coin", sao nhãng học hành, khi thua lỗ lâm vào nợ đầm đìa.
Bình luận (0)