Ông Nguyễn Hoàng Kháng ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM, vừa có đơn kêu cứu gửi đến Báo Người Lao Động để phản ánh về chuyện mình bị lừa mua hàng trúng thưởng.
Theo ông Kháng, hồi giữa tháng 4, ông có nhận được điện thoại giới thiệu tên Phượng là nhân viên của Trung tâm mua sắm trực tuyến Go Shopping, địa chỉ 260/12A đường 225, khu công nghiệp Trường Thạnh (quận 9, TP HCM) và mời tham gia mua hàng trúng thưởng. Theo đó, khách hàng chỉ cần mua 1 trong 5 món hàng sẽ được làm thủ tục giao hàng kèm giải thưởng chiếc xe máy trị giá 61 triệu đồng.
Ông Kháng đồng ý mua một món hàng. Vài phút sau có người gọi điện thoại cho ông Kháng, xưng tên Tâm là nhân viên của trung tâm Go Shopping xin xác nhận họ tên, địa chỉ giao hàng. Khoảng 10 phút sau, Phượng lại gọi cho ông Kháng và thông báo là trung tâm yêu cầu ông phải phải mua thêm một món hàng nữa để hoàn tất thủ tục. Ông Khang đồng ý và nhờ Phượng chọn giúp một món hàng có giá thấp nhất. Như lần trước, Tâm gọi điện thoại xác nhận đơn hàng.
bàn là (bàn ủi), máy đánh trứng ông Kháng đã mua
Hoá đơn bán hàng
Hóa đơn những món hàng ông Kháng đã mua.
Ngày hôm sau, Phượng tiếp tục gọi điện thoại và đề nghị ông Kháng phải mua thêm một món hàng nữa mới được nhận quà. Ông Kháng trả lời là hết tiền, thôi không mua nữa nhưng Phượng vẫn liên tục nài nỉ, khuyên ông mượn tiền ai đó để mua hàng nếu không sẽ mất món quà giá trị. Phượng còn khẳng định ông chỉ cần mua hàng xuất hóa đơn để đủ điều kiện nhận quà rồi hai ngày sau sẽ có người đến tận nhà thu hồi lại số hàng mới mua và hoàn lại tiền. Để tạo miền tin, Phượng nói vui: "Khi đến giao phần thưởng xong, anh nhớ mời tụi em đi ăn trưa nghen!". Nghe bùi tai, ông Kháng đồng ý luôn.
"Để chắc ăn, khi Tâm gọi điện thoại xác nhận đơn hàng, tôi có hỏi Phượng nói như vậy có đúng không thì được Tâm thừa nhận là có chứ, anh an tâm đi!" - ông Kháng thuật lại.
Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại, sau đó lại có người tên Trinh gọi điện thoại thông báo là cấp trên của Phượng, Tâm và nói: "Anh còn thiếu mã hóa đơn bảo hiểm hồ sơ, nên phải mua thêm một món hàng tượng trưng để có mã hóa đơn đó và coi như không còn phát sinh gì nữa". Ông Kháng lại đồng ý. Số tiền mua hàng của ông đến lúc nãy đã lên tới hàng chục triệu đồng.
Chưa hết, ngày hôm sau, Phượng tiếp tục gọi đến thông báo ông phải mua thêm một món hàng nữa kèm mã hóa đơn gọi là thủ tục bàn giao nhận lại hàng. Lúc này ông Kháng phản ứng là bà Trinh nói không có phát sinh gì nữa nên ông nhất quyết không mua nữa.
Đến đây câu chuyện mua hàng trúng thưởng kết thúc, từ ngày 20-4 đến 3-5, ông Kháng lần lượt nhận và thanh toán cho 5 món hàng gồm máy masager cầm tay, chổi quét nhà, máy xay cầm tay, bàn ủi, máy đánh trứng, với tổng số tiền hơn 15 triệu đồng nhưng quà tặng là chiếc xe máy 61 triệu đồng không thấy đâu.
Quá bức xúc, ông Kháng tìm đến địa chỉ Go Shoping ghi trên hóa đơn thì không thấy công ty nào. Lúc này ông Kháng biết chắc mình đã bị lừa.
Trước đó, ông Nguyễn Kim Long, ở thành phố Long Xuyên, An Giang, cũng thông tin đến Báo Người Lao Động về việc bị lừa gạt mua hàng. Tương tự vụ việc nói trên, có người xưng ở Trung tâm mua sắm một đài truyền hình gọi điện thông báo ông Long có mua hàng qua hệ thống quản lý nhiều đơn vị của đài và đã may mắn trúng giải thưởng trị giá trên 30 triệu đồng. Khách hàng muốn nhận thưởng phải mua một món hàng tượng trưng để đủ điều kiện lãnh giải. Do đó, ông Long đặt mua một máy massage cầm tay 1,780 triệu đồng. Hàng nhanh chóng được người giao đến nhà và thu tiền.
Vài ngày sau, ông Long lại được thông báo giải thưởng từ Nhật đã về đến cảng và yêu cầu ông Long phải mua thêm một món hàng nữa. Ông Long lại móc tiền đặt mua nồi cơm điện có giá 3,78 triệu đồng. Rồi thêm vài lần như vậy nhưng quà trúng thưởng vẫn không thấy giao.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM cho biết hội nhận được khá nhiều đơn khiếu nại của người tiêu dùng tố cáo việc lừa đảo mua hàng trúng thưởng, có vụ vài chục triệu đồng, có vụ hàng trăm triệu cho đến hơn 1 tỉ đồng. Chẳng hạn, bà N, một giáo viên về hưu tại quận Tân Bình, TP HCM đã bị lừa mua hàng trúng thưởng xe SH và chuyến du lịch Hàn Quốc nên đã mua rất nhiều sản phẩm với số tiền hơn 400 triệu đồng. Hoặc bà L ở Tân Uyên, Bình Dương bị lừa mua hàng trúng tủ lạnh, tivi, ôtô Camry, với tổng số tiền mua sản phẩm hơn 1 tỉ đồng. Theo bà L, số sản phẩm trên đến giờ bà còn chất đầy kho, chưa sử dụng lần nào, còn "tụi bán hàng" đã lặn mất tăm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những món hàng mà khách phải trả có mức giá cao gấp 3 lần so với thị trường. Địa chỉ xưng là trung tâm mua sắm đều không có thật. Số điện thoại sau khi lừa được khách hàng đều "ò í e", nếu còn sử dụng cũng đã được người khác mua lại. Theo Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, những trường hợp khiếu nại này hội đều chuyển sang cơ quan công an nhưng cũng rất khó xử lý vì không tìm được địa chỉ lẫn người bán. Hồ sơ, thư mời giải quyết khiếu nại gửi đi đều bị trả lại do không có người nhận.
Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương từng nhiều lần cảnh báo nạn lừa đảo bán hàng qua mạng, qua điện thoại nhưng đến nay tình trạng này vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Nhằm ngăn chặn các thiệt hại, rủi ro cho người tiêu dùng khi tiếp nhận các thông tin quảng cáo, chào mời mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng: Nên thận trọng với hình thức mời mua hàng, thông báo thông tin qua điện thoại, tin nhắn, đặc biệt là từ số điện thoại di động với thông tin doanh nghiệp mập mờ, không chính xác.
Khi nghe tư vấn, người tiêu dùng nên tỉnh táo, tránh tình trạng bị cuốn vào thông tin quảng cáo hoặc thông tin trúng thưởng, dễ mất cảnh giác với thủ đoạn của đối tượng.
Trong mọi tình huống, người tiêu dùng cần kiểm tra lại thông tin do đối tượng cung cấp để đảm bảo tính chính xác, đặc biệt lưu ý không thực hiện theo các hướng dẫn kiểm tra của đối tượng (ví dụ, đối tượng hướng dẫn người tiêu dùng gọi điện tới số điện thoại khác để kiểm tra…).
Trường hợp nhân viên bưu điện yêu cầu trả tiền trước khi nhận hàng thì nên từ chối và hủy thực hiện giao dịch.
Bình luận (0)