Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về vấn đề cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc (TQ) vào Việt Nam (VN). Việc kiểm tra này nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Đoàn sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn cầu VN có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Được bảo vệ nghiêm ngặt
Ngày 4-5, chúng tôi đã tiếp cận kho nhôm khổng lồ của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu VN đóng tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại trụ sở và kho chứa hàng, cơ sở sản xuất của công ty này vẫn đang tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện. Một số hạng mục đã xong, được đưa vào sử dụng trước. Xung quanh công ty được xây dựng hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt với các chốt bảo vệ, chòi canh gác.
Tại phần kho sát vách của Công ty Nhôm Toàn cầu VN, một khối lượng lớn các thanh nhôm được xếp đặt ngoài trời. Ở gần khu vực cổng chính của công ty, nhôm cũng được xếp phía ngoài trong khi chờ các nhà kho xây dựng xong. Dù đã đi vào hoạt động một phần nhưng phía ngoài công ty vẫn chưa được gắn bảng hiệu.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP HCM, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết Công ty Nhôm Toàn cầu VN bắt đầu nhận giao đất từ cuối tháng 12-2011, đầu năm 2012 họ tiến hành san lấp và xây dựng. Diện tích thuê của công ty lên tới hơn 60 ha. Đây là công ty có quy mô lớn nhất hiện nay ở Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1.
Trước thông tin cho rằng Công ty Nhôm Toàn cầu VN được ưu đãi về thuế, ông Nguyễn Anh Triết khẳng định: “Thực tế công ty này không được hưởng nhiều các chính sách ưu đãi về thuế cũng như giá thuê đất từ khi đi vào hoạt động.
Ông Triết thông tin thêm, đây là doanh nghiệp (DN) chế xuất, sản phẩm sản xuất để xuất khẩu với công suất 200.000 tấn/năm. Ban quản lý cũng thường xuyên kiểm tra hoạt động của công ty này.
“Sắp tới khi đoàn kiểm tra của liên bộ vào kiểm tra hoạt động của công ty, nếu kiểm tra hoạt động bên trong của DN… thì chúng tôi cũng sẽ cử người tham gia và có báo cáo cụ thể” - ông Triết cho biết.
Tìm hiểu thêm được biết Công ty Nhôm Toàn cầu VN đang đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình. Dự án này do hai người gốc TQ, quốc tịch Úc là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong làm chủ đầu tư. Trong dự án này, ông Jacky Cheung góp vốn gần 500 tỉ đồng và ông Wang Tong đóng góp gần 4.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo điều tra của Wall Street Journal, đứng sau dự án trên là China Zhongwang - tập đoàn lớn chuyên về nhôm của TQ thuộc sự quản lý của tỉ phú Liu Zhongtian. Tỉ phú này có tài sản gần 3 tỉ USD, theo Forbes.
Kho nhôm khổng lồ 500.000 tấn tại Vũng Tàu. Ảnh: Wall Street Journal
Nhiều nghi vấn
“Mục tiêu của đợt kiểm tra lần này là nhằm kiểm tra tình hình thực thi pháp luật về xuất xứ hàng hóa trên cơ sở các quy định của pháp luật và cam kết quốc tế về xuất xứ hàng hóa. Bộ sẽ tiếp tục thông tin cho báo chí và công luận sau khi có kết quả kiểm tra” - Bộ Công Thương cho biết.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đặt nghi vấn về việc VN có thể bị lợi dụng trong việc cấp nguồn gốc xuất xứ (C/O) để xuất sang nước thứ ba nhằm tận dụng lợi thế về thuế đối với sản phẩm nhôm. Lý do là xuất khẩu phôi nhôm từ TQ vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá tới 374% trong khi mức thuế cho mặt hàng này có xuất xứ từ VN chỉ vào khoảng 5%.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra làm rõ mô hình kinh doanh của Công ty Nhôm Toàn cầu VN. Bởi việc nghi ngờ công ty trên lập kho nhôm lớn ở VN bắt nguồn từ mục đích lách thuế là có cơ sở. “DN nhôm TQ đã được báo chí nước ngoài nhắc đến nhiều với những hoạt động kinh doanh bất thường” - ông Sưa nói.
Theo ông Sưa, có thể DN TQ đặt kho hàng ở VN là để núp bóng hình thức “tạm nhập tái xuất” nhằm hưởng chênh lệch thuế từ nước sở tại. Ông Sưa nhấn mạnh: “Nếu kho nhôm ở Vũng Tàu có dấu hiệu lách thuế là việc vô cùng nguy hiểm. Chiêu bài chuyển địa điểm để tìm C/O mới đã được nhiều nước phát hiện và họ đã có biện pháp phòng trừ. Đây được xem như một dạng gian lận thương mại”.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng cần phải hết sức cảnh giác việc lợi dụng nguồn gốc xuất xứ từ nước ta để hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang nước thứ ba. Đặc biệt là phải làm rõ lượng lớn nhôm đang nằm kho ngoại quan của Công ty Toàn cầu VN sử dụng vào mục đích gì. Bởi rất khó hiểu khi chưa xây dựng xong nhà máy mà đã nhập sẵn một lượng nguyên liệu lớn về kho ngoại quan.
TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan (Vinacomin), nêu quan điểm: “Tôi cho rằng bản chất của việc xây dựng kho nhôm này có thể nhằm đón lõng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để núp bóng xuất khẩu qua Mỹ và các nước khác hưởng thuế ưu đãi”.
Cũng theo ông Sơn, các cơ quan chức năng đang trong quá trình lập đoàn kiểm tra, tiến tới xác minh, làm rõ nên chưa thể khẳng định được điều gì. Tuy nhiên, với những cảnh báo từ một số phương tiện truyền thông nước ngoài, nhà chức trách VN cần vào cuộc sớm để xem hoạt động của DN trên có đúng như đăng ký, khai báo hay không. Nếu phát hiện DN có dấu hiệu gian lận thương mại thì cần có biện pháp xử lý nghiêm.
Trước đó, một số báo dẫn nguồn từ Wall Street Journal cho hay sau khi bị Mỹ đánh thuế bán phá giá, công ty của tỉ phú Liu Zhongtian và nhiều nhà xuất khẩu nhôm TQ đã tìm cách thành lập các pháp nhân bí mật tại những nước như Mexico hay VN để che giấu nguồn gốc xuất xứ nhằm trốn thuế khi xuất khẩu hàng của mình vào Mỹ.
Đầu năm nay, 500.000 tấn nhôm được chất lên tàu và chuyển từ Mexico đã được vận chuyển tới một cảng biển ở Vũng Tàu.
Hàng loạt mặt hàng Việt bị “vạ lây” Trung Quốc
Các chuyên gia cảnh báo nhiều DN đầu tư nước ngoài (FDI) tại VN, trong đó nhiều nhất là DN TQ, đã không đầu tư dây chuyền sản xuất mà chủ yếu nhập khẩu sản phẩm, thực hiện một số gia công đơn giản rồi xuất sang nước khác để tránh thuế chống bán phá giá. Điều này gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các DN trong nước vì bị các nước nhập khẩu kiện lây do nghi ngờ tiếp tay.
Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương cho biết liên tiếp hai sản phẩm thép cán nguội và thép cacbon nhập khẩu từ VN đã bị một số DN sản xuất thép Mỹ nộp đơn khởi kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
DN thép Mỹ kiện thép Việt là do trước đó Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá rất cao đối với thép TQ, lên gần 200% và thuế chống trợ cấp hơn 256%. Theo cáo buộc của DN Mỹ, sau khi Mỹ áp dụng các mức thuế trên đối với sản phẩm thép TQ, lượng xuất khẩu giảm mạnh. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu sản phẩm thép cùng loại từ VN sang Mỹ lại tăng đột biến. Do đó, phía DN Mỹ cáo buộc có hiện tượng chuyển hàng từ TQ sang VN, sau đó xuất sang Mỹ để né thuế.
Trước đó, nhiều sản phẩm thép khác của VN đã bị kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ cũng vì lý do tương tự. Đơn cử như ống thép hàn cacbon, đinh thép, ống thép dẫn dầu, ống thép không gỉ chịu lực, mắc áo thép.
Không chỉ Mỹ mà thị trường khác, hàng Việt cũng bị vạ lây. Cụ thể, Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu nghi ngờ khả năng có DN TQ bán thép vào VN. Sau đó DN VN dùng chứng nhận xuất xứ VN xuất khẩu sang EU nhằm tránh thuế chống bán phá giá.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho biết VN cần thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường nhập khẩu lớn là Mỹ, EU, Nhật… áp thuế chống bán phá giá và tìm hiểu thông tin những mặt hàng nước láng giềng đang bị kiện và chịu thuế cao. Khi phát hiện ra những DN xuất nhập khẩu tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá hoặc đang điều tra thì hải quan cần có cảnh báo cho các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra.
Theo Công ty Dịch vụ Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS), một tổ chức chuyên theo dõi các hoạt động thương mại trên toàn thế giới, từ đầu năm 2015, khoảng 1,7 triệu tấn phôi nhôm trị giá 5 tỉ USD đã được nhập khẩu vào VN từ Mexico, TQ và Mỹ. VN trở thành kho chứa nhôm lớn nhất thế giới, kho lớn thứ nhì ở Hà Lan chỉ bằng 1/3 ở VN.
Một số chuyên gia ước tính lượng phôi nhôm đang lưu trữ ở VN chiếm 14% kho phôi nhôm toàn thế giới.
Bình luận (0)