Bộ GTVT vừa lập Tổ công tác làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá vé máy bay.
Quyết định thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký ngày 24-6 phân công ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), làm tổ trưởng tổ công tác; ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương, làm tổ phó. Thành viên tổ công tác còn có cán bộ Cục quản lý giá (Bộ Tài chính); Phòng điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Bộ Công Thương); Vụ Vận tải (Bộ GTVT)...
Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Tổ công tác cần kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả làm việc về Bộ GTVT, trong đó làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc (nếu có). Cần báo cáo kết quả làm việc với các hãng hàng không về Bộ GTVT trong quý III/2021...
Một trong những căn cứ để Bộ GTVT thành lập Tổ công tác là để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Thông báo số 48/TB-VPCP ngày 24-5-2021 về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, trong đó có việc giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính làm việc với các hãng hàng không tại Việt Nam về việc chấp hành các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Giá về giá bán vé máy bay.
Trước đó, tại cuộc làm việc với Cục Hàng không Việt Nam hồi tháng 4 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng không trong dịch Covid-19, đại diện Vietnam Airlines đã nêu kiến nghị tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay.
Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp (DN) hàng không, Vietnam Airlines cho biết kiến nghị điều chỉnh mức giá sàn là trên cơ sở mức phí khai thác hợp lý của hàng không, bảo đảm các hãng không phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Còn điều chỉnh mức giá trần là để phù hợp với tình hình thị trường và chi phí đầu vào.
Thời gian qua, để kích cầu sau những đợt bùng phát dịch Covid-19, các hãng hàng không đua giảm giá vé để hút khách, nhiều người gọi đây là "cuộc đua xuống đáy". Nếu việc áp giá sàn được thực hiện, thị trường hàng không sẽ không còn vé 0 đồng, vé siêu rẻ.
Trao đổi về đề xuất này, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng đối với những thị trường vẫn còn những DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường, nhà nước vẫn phải quy định giá trần và không quy định giá sàn. "Nguyên nhân là vì nếu vượt giá trần sẽ bất lợi cho người tiêu dùng, và DN muốn hạ giá như thế nào tùy DN, chỉ có lợi cho người tiêu dùng, Đề xuất áp giá sàn là phi lý, không phù hợp với việc cạnh tranh theo thị trường"- ông Long cho biết.
PGS Long cho rằng muốn xem xét DN có bán phá giá hay không cần xem xét cụ thể. Bán phá giá là bán dưới giá thành, dưới chi phí sản xuất. DN được xem là bán phá giá trong trường hợp có rất nhiều mặt hàng hoặc tiềm lực rất lớn, chấp nhận bán giá thấp chịu lỗ để triệt tiêu đối thủ.
Hiện các hãng hàng không đang xây dựng các giá vé trên cơ sở Khung giá tối đa dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3-5-2019 của Bộ GTVT.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như các loại hình vận tải khác là loại "Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ". Do vậy, việc các hãng hàng không đưa ra nhiều dải giá phù hợp theo từng chuyến bay, thời gian bay của từng thời vụ là cần thiết. Đối với những chuyến bay mùa thấp điểm, giờ bay muộn, thường có giá vé phù hợp nhằm khuyến khích, kích cầu hành khách nhằm lấp đầy chỗ trống trên máy bay.
Trên thực tế, các hãng hàng không luôn xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá, tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay hoặc có thể theo mùa vụ. Thông thường, dải giá được các hãng xây dựng có khoảng từ 10 đến 15 mức giá. Trong đó có những mức giá thấp, có nhiều loại vé cho, tặng (0 đồng chưa bao gồm thuế, phí) theo từng đợt khuyến mại, giảm giá của hãng.
Bình luận (0)