xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cạnh tranh kém, nhập siêu từ Hàn Quốc tăng

THÁI PHƯƠNG - NGỌC ÁNH

Hàn Quốc bất ngờ vượt Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm. Xu hướng nhập siêu từ Hàn Quốc tăng mạnh sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu ĐH Fulbright, nhận định xu hướng nhập siêu tăng mạnh sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, cho thấy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt còn quá yếu dẫn đến thua kém khi phải đặt trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh với các thị trường khác.

Nhập khẩu tăng đột biến

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng khá mạnh so với các thị trường khác khi đạt 4,4 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này cũng tăng ở mức cao kỷ lục 45,3% với kim ngạch lên tới 13,7 tỉ USD. Như vậy, Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc để trở thành thị trường có mức nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 9,3 tỉ USD. Chỉ tính 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc, Việt Nam đã nhập siêu tới 18,3 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm.

Phân tích từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng mạnh chủ yếu ở các nhóm hàng điện thoại và linh kiện với 33%; nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 59,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 64,3% và sản phẩm dệt may tăng 16,7%... Ở chiều nhập khẩu, các DN cũng tăng nhập khẩu khá nhiều nhóm hàng từ thị trường này như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xăng dầu; điện thoại các loại và linh kiện, chất dẻo…

Cạnh tranh kém, nhập siêu từ Hàn Quốc tăng - Ảnh 1.

Sản phẩm của Hàn Quốc ngày càng nhiều ở Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH

Những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh từ Hàn Quốc chủ yếu là nhóm nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Đơn cử, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 4,2 tỉ USD từ thị trường này. Trong đó phải kể đến việc Tập đoàn Samsung không ngừng gia tăng, mở rộng đầu tư trong thời gian qua ở Việt Nam kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nguyên liệu linh kiện cho hoạt động sản xuất. Tính đến nay, Samsung đã đầu tư khoảng 15 tỉ USD vào các nhà máy tại Việt Nam chuyên sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị điện tử thông minh, điện gia dụng… Trong tổ hợp Samsung Việt Nam, Công ty Samsung Display Việt Nam (SDV) có vốn đầu tư 6,5 tỉ USD không ngừng mở rộng quy mô. Dự kiến năm nay, Samsung Việt Nam sẽ phấn đấu đạt doanh thu 60 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu hơn 50 tỉ USD. Trước đó năm 2016, dù gặp sự cố về mẫu điện thoại Galaxy Note 7 nhưng xuất khẩu của tập đoàn này tại Việt Nam vẫn đạt kim ngạch gần 40 tỉ USD, chiếm tới 22,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, để chiếm tỉ trọng hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Samsung cần nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu, linh phụ kiện đầu vào từ các nước, trong đó có Hàn Quốc. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam không chỉ phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà còn gia tăng nhập siêu mỗi khi FTA với các thị trường có hiệu lực. Chẳng hạn, Việt Nam cũng tăng nhập siêu từ Thái Lan, Malaysia… khi FTA với khu vực ASEAN có hiệu lực. Có 2 điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI và năng lực cạnh tranh của DN trong nước quá yếu. Thực tế này phản ánh năng lực cốt lõi của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện.

Nông sản Hàn Quốc sẽ tràn vào

Theo nhiều DN, dù cơ cấu sản phẩm chủ lực của Hàn Quốc và Việt Nam ít cạnh tranh trực tiếp với nhau nhưng thực tế các mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc không tăng mạnh trong khi ở chiều nhập khẩu, không chỉ nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất mà nông sản từ nước này cũng tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều.

Quý I/2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 22,1 triệu USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước trong khi nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc tăng đến gần 80%, từ 2,1 triệu USD lên 3,8 triệu USD. Dù mặt hàng rau quả Việt Nam vẫn xuất siêu nhưng các chuyên gia dự báo khoảng cách này sẽ càng thu hẹp do Hàn Quốc đang nỗ lực tăng xuất khẩu sang nước ta. Cuối tháng 4 vừa qua, trong triển lãm thực phẩm quốc tế diễn ra tại TP HCM, Liên đoàn Nông nghiệp Hàn Quốc đầu tư một gian hàng nổi bật để giới thiệu sản phẩm. Đại diện cơ quan này tại Việt Nam cho biết xuất khẩu nông sản Hàn Quốc sang Việt Nam tăng trưởng khá tốt. Riêng trái cây tươi, hiện có 4 loại quả đã được Việt Nam cấp phép nhập khẩu gồm: lê, táo, nho và dâu tây.

Đặc biệt, Hàn Quốc còn mở một "chiến dịch" chào mặt hàng dâu tây ở thị trường Việt Nam, như mời người nổi tiếng quảng bá, quảng cáo trên phương tiện giao thông, cho khách dùng thử miễn phí và giảm giá để khách Việt nhận biết. DN Hàn Quốc đang xúc tiến nhằm sớm xuất khẩu chính ngạch 5 loại quả tươi khác là hồng, dưa vàng, quýt, đào và ớt chuông xanh sang Việt Nam khi đánh giá tiềm năng của thị trường là rất lớn.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Hàn Quốc mới "mở cửa" cho 2 loại trái cây tươi của Việt Nam là thanh long và xoài. Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), cho biết xoài xuất sang Hàn Quốc đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng của Thái Lan và Philippines nên hiện xuất khẩu chủ yếu là thanh long. Đây được xem là thị trường khó tính, rào cản kỹ thuật cao tương đương với Nhật nhưng giá lại thấp hơn. Bên cạnh đó, vùng trồng phải thực hành trồng trọt tốt, được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số quản lý, trái cây phải qua nhiệt bằng hơi nước để xử lý dịch hại. Chưa kể, khâu quảng bá trái cây Việt ở Hàn Quốc gặp khó do nhà xuất khẩu Việt yếu về tài chính. Ngoài ra, thị trường này vẫn duy trì thuế nhập khẩu khoảng 28% khiến trái cây Việt cạnh tranh kém.

Với một số mặt hàng khác như cà phê, tiêu, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho rằng khó tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc. Trong khi đó, thị trường này áp tiêu chuẩn rất cao về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản nên hàng Việt khó cạnh tranh được. 

Cần sớm cân bằng cán cân thương mại

Từ nhiều năm qua, Hàn Quốc đã là đối tác thương mại lớn và cũng là quốc gia có lượng vốn FDI hàng đầu của Việt Nam. Trong báo cáo xuất nhập khẩu năm 2016, Bộ Công Thương thừa nhận Hàn Quốc là thị trường Việt Nam có mức nhập siêu tương đối lớn với 20,6 tỉ USD trong năm 2015. Việc nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu để phục vụ sản xuất, gia công, xuất khẩu. Nhưng theo các chuyên gia, kim ngạch nhập khẩu đã tăng khá mạnh trong thời gian qua, đặc biệt sau khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực nên cần sớm có giải pháp cân bằng cán cân thương mại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo