Tết Ất Mùi này, nhà nông Trần Thanh Liêm (ngụ khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 500 cặp dưa hấu hình vuông, thỏi vàng có chữ “Tài - Lộc” nổi trên vỏ.
Với giá dự kiến 1,5-3,5 triệu đồng/cặp, ông sẽ thu về gần nửa tỉ đồng. Ông Liêm còn tính tung ra khoảng 20 cặp dưa hấu hình trái tim với giá 8 triệu đồng/cặp.
Không đụng hàng
Hiện nay, 2/3 sản phẩm của ông Liêm đã được thương lái ở TP HCM đặt hàng. “So với trồng dưa hấu thường bán Tết, việc tạo hình dưa hấu “độc” sẽ giúp tôi tăng thu nhập hàng chục lần” - ông Liêm phấn khởi.
Những ngày này, nhiều nhà vườn ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cũng gấp rút tìm đầu ra cho hơn 5.300 trái bưởi hồ lô. Để có sản phẩm “không đụng hàng” tung ra dịp Tết năm nay, người trồng và tạo dáng bưởi bàn tay Phật (bưởi Cát Tường) ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành phải chịu cảnh mất trắng vào năm ngoái do tạo khuôn và thời tiết không phù hợp.
Năm nay, ngoài việc hợp tác với một doanh nghiệp ở Hà Nội cung ứng 700 trái bưởi bàn tay Phật, “vua bưởi hồ lô” Võ Trung Thành (Chủ nhiệm CLB Sản xuất trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân) còn liên kết với nhiều nhà vườn ở Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng sản xuất 2.000-3.000 trái loại này.
Tết Ất Mùi, CLB của ông Thành dự định tung ra thị trường 1.000 quả đào tiên hồ lô tạo dáng độc đáo. Ông hào hứng: “Chỉ cần bảo quản ở điều kiện thông thường, đào tiên hồ lô có thể để được trên 6 tháng, trong khi bưởi hồ lô chỉ khoảng 1 tháng. Giá đào tiên hồ lô dự kiến từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/quả”.
Tại xứ hoa, cây kiểng Chợ Lách ở tỉnh Bến Tre, nhiều chủ vườn cũng tất bật uốn tỉa, ghép hình để tung ra sản phẩm mới phục vụ Tết. Trong đó, kiểng hình con dê được nhà vườn chú trọng.
Ông Nguyễn Văn Công (Năm Công) - một nghệ nhân nhiều năm trồng cây kiểng hình thú ở ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách - khoe: “Tết năm con gì thì chúng tôi cho ra mắt kiểng thú hình tượng con đó. Năm nay, cơ sở của tôi có đến 17 người làm việc suốt ngày. Trước mắt, cơ sở đang hoàn thiện 20 cặp kiểng dê giao cho thương lái”. Tại cơ sở Đức Huy, cũng ở ấp Phú Long, với hàng chục cặp kiểng dê, lợi nhuận ước tính thu được hơn 400 triệu đồng.
Lệ thuộc “ông trời”
Theo nghệ nhân Năm Công, nguyên liệu chính để tạo hình kiểng dê là cây gừa. Mỗi con dê kiểng cần vài chục nhánh gừa ghép lại theo các khung sắt định hình sẵn. Thời gian tạo hình là 5-10 ngày.
“Nhà vườn tiến hành vô chậu, tạo dáng kiểng từ tháng 8 âm lịch. Bốn tháng sau, việc tỉa cành, chỉnh sửa dáng cho con thú bắt đầu. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc này cũng như ý. Có khi sau nhiều tháng được miệt mài chăm bón, kiểng bỗng nhiên chết dần do thời tiết không thuận lợi hoặc hình dáng con thú không phù hợp với yêu cầu khách hàng” - ông Công cho biết.
Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Liêm, dù đã nhiều năm trồng dưa hấu tạo hình nhưng tỉ lệ thành công của ông chỉ khoảng 50%. “Năm nay, thời tiết không thuận lợi cho nhiều loại hoa kiểng nhưng lại phù hợp với dưa hấu nên sản lượng dưa tạo hình của tôi sẽ đủ cung cấp cho khách hàng. Để có những trái dưa đẹp thì ngoài chuyện lệ thuộc “ông trời”, việc chăm sóc từ lúc mới gieo hạt đến khi cho trái vào khuôn cũng đòi hỏi phải hết sức cẩn thận” - ông cho biết.
Ông Liêm tiết lộ năm nay, sản phẩm dưa hấu chưng Tết của ông được cải tiến mẫu mã với trái nhỏ hơn, chữ in trên vỏ đẹp và rõ hơn những năm trước. “Để tạo dáng thành công trái dưa hấu hình vuông, hình xe hơi…, tôi phải trải qua thất bại nhiều năm” - ông thừa nhận.
Giúp nhau thoát nghèo
“Vua bưởi hồ lô” Võ Trung Thành đến giờ vẫn không thể nào quên những ngày tháng khốn khó mà ông đã trải qua. Trong giai đoạn trồng bưởi thường từ năm 2000-2009, gia đình ông mắc nợ 10 triệu đồng mà không thể trả nổi. Sau khi nghiên cứu và tạo hình thành công bưởi hồ lô những năm 2010-2012, ông đã mua 2 căn nhà trị giá trên 1,5 tỉ đồng.
Không chỉ vươn lên làm giàu, ông Thành còn hướng dẫn 26 thành viên của CLB cùng tham gia sản xuất trái cây tạo hình (chủ yếu là bưởi hồ lô) để có được cuộc sống khá giả. Ông Nguyễn Văn Thời, thành viên CLB, nhớ lại: “Năm 2005-2006, gia đình tôi thuộc diện cận nghèo. Để trang trải cuộc sống, tôi đành đem cầm cố 2 công đất. Tham gia CLB đến năm 2012, tôi đã có tiền chuộc lại đất và còn sửa lại căn nhà khá khang trang”.
“Mình từng nghèo nên thấu hiểu được cuộc sống khó khăn của bà con. Do vậy, giúp họ thoát nghèo cũng chính là giúp mình, giúp xứ bưởi quê nhà luôn xanh tươi, giàu đẹp” - ông Thành tâm sự.
Bình luận (0)