Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng đang gấp rút xây dựng hành lang pháp lý, cơ sở vật chất để cho sự ra đời Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong quý I.
Chặn lợi ích nhóm
Trước khi ủy ban chính thức đi vào hoạt động, câu hỏi đặt ra là cơ quan này có bảo đảm mục tiêu bảo toàn và tối đa hóa giá trị vốn đầu tư và tài sản nhà nước theo phương thức đầu tư hay không, có làm phình thêm bộ máy vốn đã cồng kềnh không?
Việc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra đời được kỳ vọng mang lại hiệu quả trong việc khai thác nguồn vốn của nhà nước. Trong ảnh: Nhân viên VNPT thi công cáp ngầm Ảnh: TẤN THẠNH
Trong các bình luận của mình, giới quan sát đều có chung quan điểm việc ra đời của "siêu ủy ban" này là động thái đặt dấu chấm hết cho cơ chế bộ chủ quản vốn đã bộc lộ nhiều hạn chế nhưng phải bàn thảo hơn 20 năm mới có lối ra.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nhận định các vấn đề khác còn phải chờ thêm mới biết hiệu quả nhưng riêng việc tách cơ quan làm chính sách ra khỏi chức năng quản lý DN là tốt. Ông Tuyển dẫn chứng trước đây ở Bộ Công Thương có chuyện Tổng Công ty Thép Việt Nam có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Cục Quản lý cạnh tranh lên kế hoạch kiểm tra, lập tức bị một thứ trưởng quản lý ngành thép gọi điện bảo không được kiểm tra. "Tách cơ chế quản lý DN ra khỏi bộ ngành là cần thiết nhưng tiếp theo đó phải thu hẹp đầu mối DN nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn mới có thể thành công" - ông Tuyển nói.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng đã là sở hữu công và DN nhà nước thì muôn thuở đều mắc 2 vấn đề là xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức. Dù là tổ chức nào cũng có các nguyên tắc cơ bản gồm minh bạch, giám sát, năng lực và tính chuyên nghiệp.
Theo ông Thành, để đi đến quyết định thành lập ủy ban này có rất nhiều ý kiến tranh cãi nhưng ít ra cũng có 2 cái được. Đó là giảm thiểu xung đột lợi ích và đẩy nhanh quá trình thu nhỏ khu vực DN nhà nước trước khi có thể quản lý nó một cách hiệu quả, đúng nghĩa. Vấn đề thu nhỏ DN nhà nước đã từng đặt ra khi thành lập Tổng Công ty Đầu tư, Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhưng đến nay, mục tiêu này vẫn không đạt được.
Về việc ra đời Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bà Phạm Chi Lan nhìn nhận: "Bối cảnh hiện nay dường như không còn cách nào khác. Cơ quan này có thành công hay không là do đội ngũ cán bộ quyết định, nhất là người đứng đầu. Đó phải là bộ máy kỹ trị, có kỹ năng thị trường, kỹ năng quản lý cơ bản chứ không phải bộ máy chính trị".
Có chồng chéo với SCIC?
Đáng lưu ý là trong danh sách quản lý của "siêu ủy ban" dự kiến có cả SCIC. Đây là DN được thành lập từ năm 2005 theo mô hình của Tập đoàn Temasek (công ty nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính Singapore, có chức năng quản lý phần vốn của chính phủ Singapore trong các DN) với mục đích thực hiện việc quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại các DN, các lĩnh vực theo quy định của pháp luật. Vấn đề dư luận đang đặt ra là có sự chồng chéo trong quản lý vốn nhà nước sau khi "siêu ủy ban" đi vào hoạt động hay không.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC, cho biết Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của ủy ban nhưng sẽ không có sự chồng chéo về chức năng giữa SCIC và cơ quan này. "Ủy ban và SCIC đều là cơ quan, DN trực thuộc Chính phủ. Sau này có thể SCIC cũng thuộc quản lý của ủy ban. Chính phủ sẽ phân công nhiệm vụ hợp lý để đạt mục tiêu sử dụng hiệu quả nhất vốn nhà nước tại các DN" - ông Chi nói.
Triển khai nhiệm vụ cho tổ công tác, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu không được để xảy ra tình huống ủy ban mới được thành lập tiếp quản các DN mà các bộ "buông tay" luôn dẫn tới chậm trễ trong cổ phần hóa, bán vốn.
Trong thực tế, rất có thể xảy ra khoảng trống pháp lý này. Bởi theo Quyết định 1232/2017 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục DN nhà nước thoái vốn đến năm 2020, cả nước có ít nhất 406 DN phải tái cơ cấu, cổ phần hóa, trong đó 62 DN phải chuyển về SCIC. Trong trường hợp hàng trăm DN nói trên cổ phần hóa không thành công hoặc bán vốn không hết, chưa có hướng dẫn DN đó sẽ thuộc cơ quan chủ quản nào vì các bộ ngành sẽ không còn chức năng đại diện vốn nhà nước tại DN, trừ lĩnh vực liên quan quốc phòng, an ninh.
Bình luận (0)