Tỉ giá USD tăng, giá các loại hàng nhập khẩu như xe máy, ô tô cũng nhích lên. Ảnh: XUÂN THẢO
Kiểm soát chặt các mặt hàng bình ổn
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết để tránh tình trạng lợi dụng để tăng giá hàng hóa, sở đã có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra nguồn hàng, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường. Trong đó, kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng tham gia bình ổn giá trên địa bàn cho đến hết tháng 3-2011.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Thanh tra Sở Tài chính TPHCM, cho biết song song với việc kiểm tra các mặt hàng bình ổn giá, sở còn kiểm tra công tác niêm yết giá cả hàng hóa trên thị trường. |
Giới kinh doanh ô tô ngoại nhập cũng thừa nhận tỉ giá tăng đã tác động đến thị trường này. Từ ngày 29-1, Tổng cục Hải quan ban hành biểu giá trị tuyệt đối tính thuế nhập khẩu mới với mức tăng từ vài ngàn USD cho đến vài chục ngàn USD/xe đối với một số loại xe. Nay thêm tỉ giá được điều chỉnh tăng cao nên một số đại lý lợi dụng cơ hội để đẩy giá lên. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, cho đến thời điểm này, nhiều hãng sản xuất xe vẫn còn bán với giá trong Tết. Đại diện một công ty bán xe Toyota tại TPHCM cho biết chưa có thông báo mới về giá từ Toyota Việt Nam nên vẫn bán với giá cũ...
Tuy nhiên, trên thị trường, nhiều cửa hàng kinh doanh hàng điện gia dụng đã rục rịch tăng giá. Theo ông Lâm Văn Hoàng, chuyên kinh doanh hàng điện gia dụng tại quận 1, nhiều điểm bán lợi dụng cơ hội tỉ giá tăng để đẩy giá một số mặt hàng bán chạy lên 5%- 7%, còn những mặt hàng bán chậm thì vẫn giữ giá.
PGS – TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia: Đẩy mạnh kiểm tra thực hiện pháp lệnh giá
Việc điều chỉnh tỉ giá lần này là thực hiện theo lộ trình thông báo trước và để hợp thức hóa tỉ giá USD/VNĐ trên thị trường nên không mấy ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Tương tự, việc tăng giá điện, than, xăng dầu... sắp tới là thực hiện điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường và cũng đã có thông báo trước nên được đánh giá là sẽ không tác động nhiều đến mặt bằng giá cả. Ngoài ra, USD tăng giá cũng có mặt tích cực là hạn chế nhập khẩu và là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, tăng thị phần...
Quan trọng nhất lúc này là các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường triển khai kiểm tra, thanh tra giám sát việc thực hiện pháp lệnh giá, không để xảy ra tình trạng lợi dụng tỉ giá tăng để tăng giá; kiểm soát nhập siêu, chi tiêu công...
TS Lê Thẩm Dương, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM: Các chính sách phải đồng bộ, hiệu quả Từ đầu năm 2011 đến nay xuất hiện rất nhiều nhân tố trở ngại. Tháng 1-2011, lạm phát ở mức 1,74%, mặc dù giảm so với tháng 12-2010 nhưng quá cao so với cùng kỳ và so với mục tiêu lạm phát cả năm 2011. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá USD tăng chắc chắn sẽ đẩy chỉ số CPI tăng. Trước mắt, tỉ giá tăng làm giá cả hàng hóa tăng, nhất là những mặt hàng nhập khẩu hoặc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu và đẩy giá vàng tăng, giá USD trên thị trường tự do tăng...
Tuy vậy, việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp tỉ giá vừa qua là việc nên làm. Vấn đề là trong vòng 3-6 tháng tới, Nhà nước phải “cứu” doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất ngân hàng.
Hiện các chính sách Nhà nước đề ra như ổn định tiền tệ, hạn chế đầu tư công, giảm nợ công, kiểm soát bội chi ngân sách... là đúng và kết quả kiềm chế lạm phát tới đâu tùy thuộc vào tính quyết liệt, đồng bộ hóa các chính sách tiền tệ, tài chính, đầu tư. Bên cạnh đó, phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, động viên, giải thích để tạo lòng tin cho người dân.
Thanh Nhân ghi |
Bình luận (0)