Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết đang soạn dự thảo chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông sản. Theo dự thảo, việc liên kết sẽ được thực hiện trên nguyên tắc cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro, bên vi phạm sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi. Đây là một phần trong các giải pháp hỗ trợ liên kết sản xuất để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt, bảo vệ thị trường nội địa trước làn sóng nhập khẩu nông sản ngoại.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cần thực hiện trên nguyên tắc cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro. Trong ảnh: Một vựa nông sản tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) đầu tư cho nông dân sản xuất
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra), cho biết nông hộ sản xuất nhỏ lẻ rất khó cạnh tranh, không chỉ ở kênh phân phối hiện đại mà cả ở chợ đầu mối. Do đó, nông dân nên tập hợp thành các tổ hợp tác, HTX để thuận tiện trong việc đàm phán hợp đồng, tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm ra thị trường. Ông Khoa cũng nêu thực tế việc liên kết của Satra với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu gạo thường xuyên gặp tình trạng giá lên nông dân bán sản phẩm ra ngoài, giá hạ Satra phải thu mua sản lượng cao đột biến.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng không chỉ nông dân mà DN cũng "bẻ kèo" nếu thấy bất lợi khi tiếp tục thực hiệp hợp đồng. "Hợp đồng do DN soạn nên các điều khoản sẽ có lợi cho DN. Tuy nhiên, khi hòa giải thì lại áp dụng theo kiểu hễ tai nạn thì xe lớn phải đền xe nhỏ bất kể lỗi thuộc về ai. Vì vậy, các hợp đồng liên kết cần có đơn vị thứ 3 để bảo đảm tính pháp lý, công bằng cả 2 bên" - ông Huy kiến nghị.
Bình luận (0)