Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm (Công ty Nhã Khắc Lâm) được cho là sẽ tiếp nhận hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy - chủ nhân là ông Huỳnh Vĩnh Lợi, Phó Giám đốc Chi nhánh Thiên Ngọc Minh Uy tại TP HCM.
Giám sát việc chấm dứt hoạt động
“Tiền thân” của Công ty Nhã Khắc Lâm là Công ty TNHH Gano Excel Việt Nam, được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC lần đầu vào ngày 30-11-2015 và xin tạm dừng hoạt động đa cấp từ giữa năm 2016. Đầu năm 2017, công ty này tiếp tục xin dừng hoạt động kinh doanh đa cấp cho tới ngày 17-5 nhưng lại được cho phép tiếp tục BHĐC kể từ ngày 13-4. Công ty TNHH Gano Excel Việt Nam cũng đã chuyển chủ sở hữu và người quản lý sang ông Huỳnh Vĩnh Lợi.
Công ty Nhã Khắc Lâm hoạt động với 8 ngành nghề kinh doanh, chủ yếu là bán buôn thực phẩm chức năng; bán lẻ theo phương thức đa cấp các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ uống, đồ điện gia dụng... Bộ Công Thương cho biết đã nắm được sự việc này và Cục Quản lý cạnh tranh cùng các đơn vị đang xác minh.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, xác nhận đã trình báo cáo liên quan đến Công ty Nhã Khắc Lâm lên cơ quan có thẩm quyền. Đại diện Bộ Công Thương cũng khuyến cáo người dân nên rút khỏi hệ thống đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy, tránh nghe theo các chiêu trò biến hình của công ty này. Đồng thời, bộ sẽ giám sát việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy.
Vá kẽ hở pháp luật
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Thiên Ngọc Minh Uy là lời nhắc nhở để chúng ta xem xét lại hệ thống pháp luật quản lý BHĐC.
“Luật của mình không cấm việc một công ty lập ra các công ty khác nhưng phải làm rõ những liên quan giữa công ty nọ với công ty kia và trách nhiệm chia sẻ như thế nào, ai chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, chịu trách nhiệm đến đâu trong các hoạt động... Cái đó phải rành mạch, tránh chuyện dùng nhiều công ty khác nhau, dưới nhiều danh nghĩa khác nhau nhưng cuối cùng là cùng một hoạt động, cùng một mạng lưới và lập ra hoạt động mang tính lừa đảo những người tham gia” - bà Lan cảnh báo.
Bà Lan cho rằng với hệ thống quản lý nhà nước như hiện nay thì hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng công ty mẹ xin thành lập công ty con. Quan trọng là hoạt động giám sát cần sát hơn, tích cực hơn.
“Khi một công ty mẹ đăng ký lập thêm vài công ty con chẳng hạn thì có thể đưa tất cả vào hệ thống để kiểm soát, xem xét chung hoạt động của họ. Giờ phần lớn các công ty quản lý qua mạng, xem xét thấy bất cứ tín hiệu nào thì phải có thái độ ngay. Phải siết lại thật kỹ quy định của pháp luật, nhất là những công ty từng “dính” rồi thì phải xem cẩn trọng tất cả công ty liên quan đến nó, do nó lập ra, tránh tình trạng đóng cửa một công ty thì ngay lập tức ra đời vài công ty khác cũng hoạt động như vậy” - bà Lan đề xuất. Theo bà, BHĐC có ở rất nhiều nước nhưng vào Việt Nam thì biến tướng bởi hệ thống kiểm soát của ta kém.
“Biết bao người tham gia và bị mất rất nhiều ở đấy. Tất nhiên, những người tham gia cũng vì lòng tham, hám lợi mà tham gia. Khi tham gia rồi thì họ dấn sâu vào việc lừa những người khác, kể cả người thân, vào hệ thống để được thưởng phần công giới thiệu thêm đại lý. Cái đó là rất tệ. Nhà nước nên siết lại và đưa ra những quy định thật rõ ràng, làm sao để bảo đảm lợi ích chung cho xã hội, chống lại hành vi lừa đảo, nếu có” - chuyên gia Phạm Chi Lan bày tỏ.
Cần xử phạt nặng, tước giấy phép
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, sau hơn 2 năm thực hiện, Nghị định 42/2014 về kinh doanh đa cấp đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi để cải thiện công tác quản lý hoạt động BHĐC; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tham gia BHĐC. Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ sửa đổi nghị định này.
Các chuyên gia cho rằng dự thảo cần tăng thêm các quy định về quản lý, kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh đa cấp. Trong đó, cần tăng mạnh số tiền ký quỹ tối thiểu, buộc đào tạo nhân viên trong hệ thống kinh doanh BHĐC và xử phạt nặng, tước giấy phép vĩnh viễn đối với các sai phạm trong hoạt động đa cấp.
Bình luận (0)