Ngày 21-2 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo về thực trạng, vướng mắc và hướng xử lý trong chuyển giao doanh nghiệp (DN) về Tổng Công ty Quản lý và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Chỉ chuyển giao doanh nghiệp kém
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, cho biết từ 2013 đến nay, Chính phủ rất quyết liệt trong việc tập trung chuyển giao DN về SCIC. Nghị định 151/2013 đã quy định rất rõ về đối tượng, trình tự và thời hạn chuyển giao nhưng đến nay vẫn còn ít nhất 234 DN chưa được chuyển giao về SCIC.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC, cho biết đến nay, SCIC đã tiếp nhận hơn 1.000 DN với số vốn hơn 9.900 tỉ đồng (theo giá thị trường là 15.000 tỉ đồng), chỉ bằng 1% tổng số vốn nhà nước tại các DN. Trong đó, hơn 80% là DN nhỏ hoạt động kém hiệu quả; 7% là DN thuộc diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ. Từ năm 2009 đến nay, số lượng DN SCIC tiếp nhận giảm dần, có năm chỉ tiếp nhận 12 DN (năm 2009). SCIC đã trực tiếp đến làm việc với từng bộ, từng địa phương để thúc giục công tác chuyển giao nhưng tiến độ vẫn không thể cải thiện.
Đáng lưu ý là theo báo cáo của SCIC, mặc dù Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tại Công văn 10382/VPCP-ĐMDN ngày 11-12-2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được bán bớt phần vốn tại các công ty con, công ty liên kết trước khi bàn giao về SCIC nhưng một số tập đoàn, tổng công ty vẫn không tuân thủ.
Lo mất lợi ích
Theo ông Phan Đức Hiếu, một trong những nguyên nhân để trì hoãn chuyển giao là nhiều địa phương có quan điểm giữ lại DN để “phục vụ cho sự nghiệp phát triển của địa phương”, bất kể là “DN công ích hay DN kinh doanh”.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết địa phương có 39 DN thuộc đối tượng chuyển giao nhưng thành phố đã xây dựng chính sách tài chính đặc thù theo Luật Thủ đô nên không thực hiện chuyển giao về SCIC nữa. Quan điểm này lập tức bị ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, phản đối: “Hà Nội cần nhìn xu hướng toàn cầu, có cơ chế thu hút nguồn lực tài chính từ Hồng Kông, London... mới đủ tầm xử lý được các vấn đề của mình. Nếu cứ nhăm nhe vào các DN trên địa bàn thì không giải quyết được. Tôi cho rằng Hà Nội cần suy nghĩ lại, đối tượng nào thuộc diện chuyển giao thì nên nghiêm túc thực hiện”.
Là ngành còn nhiều DN chưa thực hiện chuyển giao về SCIC, đại diện Ban Đổi mới DN Bộ Công Thương cho biết tiến độ còn chậm là do vướng mắc nhiều cơ chế, chính sách. Ví dụ Tổng Công ty Thép Việt Nam đã cổ phần hóa năm 2008 đến nay vẫn chưa thể quyết toán vì các đơn vị thành viên có nhiều đất đai, gặp vướng mắc trong xử lý tài chính. Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 thua lỗ kéo dài, chưa thể có cơ chế ngay được, phải chờ ý kiến Chính phủ. Bản thân DN cũng chuyển giao sang SCIC vì bên cạnh quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương còn nảy sinh đầu mối quản lý về tiêu chí vốn.
Trả lời băn khoăn này, ông Nguyễn Hồng Hiển cho biết khi chuyển giao về SCIC, DN vẫn không thoát ly khỏi bộ hoặc địa phương chủ quản vì SCIC chỉ thay mặt quyền cổ đông nhà nước, quản trị vốn với tư cách là một cổ đông. Công ty cổ phần đó vẫn chịu sự điều chỉnh về quản lý chuyên ngành hoặc quản lý trên địa bàn, lợi nhuận vẫn nộp thuế cho địa phương. Hiệu quả hoạt động của DN sau chuyển giao rất tốt, tổng mức vốn tại các DN này đã tăng lên 144.000 tỉ đồng, gấp 10 lần so với vốn tiếp nhận ban đầu. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của DN khoảng 15%-17%.
Chuyên gia Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân sự - Kinh tế - Bộ Tư pháp, thẳng thắn chỉ nguyên nhân quan trọng chính là lợi ích cục bộ. “Ở đâu không có sự thống nhất về lợi ích thì không có thống nhất trong tư duy chứ đừng nói đến hành động. Chính phủ giao nhưng bộ và địa phương không làm, trước hết là vì lợi ích, vì sân sau. Thứ hai là do thiếu chế độ kỷ luật hành chính, không làm không phải chịu trách nhiệm pháp lý”. Giải pháp được ông Huệ đề xuất là Chính phủ rà soát lại thực trạng, ra nghị quyết và yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh cam kết thực hiện; nếu không làm được thì cách chức.
Ông Nguyễn Đình Cung cho biết sau hội nghị này sẽ có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ giải pháp chuyển giao DN có vốn nhà nước về SCIC ngay trong quý I năm nay. Tinh thần là về mặt pháp luật có thể còn vướng mắc nhưng đây không phải nguyên nhân chính. Vấn đề là kỷ luật hành chính, tư tưởng của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa thông, không loại trừ lý do lợi ích chi phối. Phải nhìn nhận đây là kỷ cương phép nước, buộc phải làm để thúc đẩy cải cách.
Bộ Công Thương còn giữ 8 doanh nghiệp
Từ năm 2013 đến nay có khoảng 234 DN nhà nước thuộc diện chuyển giao vốn về SCIC nhưng hiện mới chỉ có khoảng 61 DN thực hiện thỏa thuận chuyển vốn. Còn lại hơn 173 DN vẫn chưa thực hiện chuyển giao với tổng số vốn khoảng 82.600 tỉ đồng. Trong đó, có 32 doanh nghiệp trực thuộc các bộ, ban ngành trung ương, nhiều nhất là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (10 DN), Bộ Công Thương (8 DN), Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn mỗi bộ còn 5 DN và Bộ Y tế (4 DN). Các địa phương còn giữ 141 DN, nhiều nhất là thuộc các tỉnh miền Trung.
Bình luận (0)