Ông Lê Tấn Hổ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu Tư (KH-ĐT) tỉnh Phú Yên, cho biết ngày 21-7, sở đã có công văn đề nghị Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô (Công ty Vũng Rô) vào làm việc với tỉnh để cung cấp cụ thể tiến độ thực hiện dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô do công ty này làm chủ đầu tư. Công văn của Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
"Tối hậu thư"
Trước đó, ngày 19-7, UBND tỉnh Phú Yên nêu rõ tại buổi làm việc với UBND tỉnh hôm 25-5, lãnh đạo Công ty Vũng Rô cam kết đến ngày 7-7 sẽ có báo cáo chính thức về các nội dung liên quan đến dự án theo yêu cầu của UBND tỉnh. Theo đó, công ty sẽ báo cáo kết quả tái cơ cấu của nhà đầu tư về nhân sự, nguồn vốn đầu tư, phương án tài chính cho dự án; kế hoạch và tiến độ triển khai, trong đó có thời gian khởi công; cam kết pháp lý cụ thể về kế hoạch, tiến độ và hướng xử lý cụ thể nếu nhà đầu tư không thực hiện theo đúng các nội dung đã cam kết.
Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Phú Yên vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ nhà đầu tư. Vì vậy, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở KH-ĐT có văn bản yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương thực hiện các nội dung cam kết trước ngày 31-7.
"Hết thời hạn nêu trên, nếu nhà đầu tư không có báo cáo chính thức hoặc không làm việc với UBND tỉnh về các nội dung triển khai dự án theo cam kết, UBND tỉnh sẽ báo cáo xin ý kiến các bộ, ngành trung ương và cơ quan chức năng xem xét, quyết định chấm dứt thực hiện dự án" - công văn do ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu.
Sau 10 năm, dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô vẫn chỉ là hiện trạng thế này
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trà cho rằng quan điểm của tỉnh vẫn là kêu gọi, tôn trọng nhà đầu tư nhưng khi đã chờ đến mức độ giới hạn mà nhà đầu tư không triển khai thì phải tính đến các bước tiếp theo. Về việc phải báo cáo với các bộ, ngành trung ương trước khi chấm dứt dự án, ông Trà giải thích: "Đây là việc lớn, riêng UBND tỉnh cũng không quyết được. Tỉnh không có thẩm quyền quyết những dự án lớn như vậy mà phải tranh thủ ý kiến các bộ, ngành trung ương và phải có ý kiến của Chính phủ nữa".
Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô với 100% vốn nước ngoài, được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2007. Dự án có công suất dự kiến 8 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư gần 3,2 tỉ USD.
Sau một thời gian dài chây ì và điều chỉnh quy mô, ngày 9-9-2014, chủ đầu tư làm lễ động thổ dự án. Thế nhưng, từ đó đến nay, dự án vẫn dang dở với hạng mục đầu tiên là san lấp mặt bằng.
Theo báo cáo trả lời cử tri của UBND tỉnh Phú Yên tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, lý do mà nhà đầu tư chây ì vẫn chung chung: khủng khoảng Ukraine và chính sách của phương Tây làm giá đồng rúp tụt giảm mạnh; giá dầu thế giới giảm sâu nên nhà đầu tư phải cơ cấu một số vấn đề về nhân sự, nguồn vốn đầu tư, phương án tài chính để thực hiện dự án...
Nợ dân nhiều rồi!
Ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng quan điểm của tỉnh bây giờ không phải là báo cáo nữa mà nhà đầu tư phải có tiến độ kế hoạch cụ thể, cách làm cụ thể. "Tỉnh đã nợ dân, nợ dư luận nhiều quá về nhà máy lọc dầu này rồi. Cứ nói, cứ hứa hẹn mãi là không được. Phú Yên không chờ để hứa hẹn nữa nên quan điểm của tỉnh là nhà đầu tư phải rõ ràng về dự án này" - ông Hiến khẳng định.
Theo ông Hiến, ngay sau khi điều chỉnh quy mô dự án từ 4 triệu tấn lên 8 triệu tấn/năm, nhà đầu tư đã hứa đến năm 2017 sẽ hoàn thành.
"Khi động thổ dự án vào năm 2014, họ cũng khẳng định sẽ triển khai nhanh các bước để đến năm 2017 hoàn thành. Thế nhưng, sau động thổ, họ không triển khai gì thêm, các bước cũng chưa rõ. Giờ tỉnh yêu cầu phải rõ ràng cụ, thể" - ông Hiến cương quyết. Theo ông, nếu nhà đầu tư tiếp tục chây ì, buộc tỉnh phải đề nghị các bộ, ngành cho chấm dứt dự án. Hiện nay, tiền ký quỹ, tạm ứng của nhà đầu tư khoảng 150 tỉ đồng đã được tỉnh đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
"Tiền đền bù, chi phí lâu nay của họ thì họ phải chịu thôi. Họ phải chấp nhận điều đó chứ không cách nào khác. Tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư khác chứ không thể chờ nữa" - ông Hiến nêu quan điểm.
Theo quy hoạch, dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô "ngốn" diện tích đến 1.200 ha. Trong đó, gần 670 ha mặt nước và gần 538 ha đất liền của 3 thôn Đồng Bé, Phước Long và Phước Tân (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa). Có gần 600 hộ dân bị ảnh hưởng vì dự án này.
Khi triển khai dự án, tỉnh Phú Yên đã ban hành Chỉ thị số 31/2007/CT-UBND về việc nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, đào bới làm biến dạng địa hình, sử dụng đất đai sai mục đích.
"Dự án kéo dài 10 năm, nhiều người dân bức xúc vì không biết nhà máy lọc dầu có làm hay không mà nhà cửa người dân không được xây, không được sửa" - ông Võ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho hay.
Tại buổi làm việc với Hội Luật gia Việt Nam liên quan đến Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô vào ngày 19-8-2013, đề cập việc chọn nhà đầu tư này, ông Lê Văn Trúc (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) khẳng định: "Đó là quyết định của lãnh đạo tỉnh. Tỉnh chịu trách nhiệm trước Đảng bộ, trước dân, trước Chính phủ. Tôi nói rõ đây là sự lựa chọn của tỉnh. Nếu lựa chọn đó sai thì tỉnh phải chịu trách nhiệm". Bây giờ, lãnh đạo UBND tỉnh ngày đó đều đã về hưu nhưng dự án thì vẫn chây ì!
Dự án trong mơ
Tại lễ động thổ Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô, nhà đầu tư cho biết mục tiêu của dự án là chế biến và phân phối các sản phẩm lọc dầu từ dầu thô và các sản phẩm hóa dầu khác; xuất, nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu khí, hóa dầu; vận chuyển, lưu trữ dầu thô, các sản phẩm dầu khí hóa dầu và kinh doanh bến cảng, kho chứa. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đóng góp khoảng 111 triệu USD/năm cho ngân sách và tạo việc làm ổn định cho 1.300 lao động.
Vì vậy, tỉnh Phú Yên cho rằng đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Với kỳ vọng này, dự án đã nhận được nhiều sự ưu đãi về thuế và tiền thuê mặt đất, mặt nước.
Bình luận (0)