Tại hội thảo "Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng" tổ chức sáng ngày 24-8 tại Hà Nội, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết hiện giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế.
Thông tin tại hội thảo cho biết hiện mới có 15% lương hưu, trợ cấp xã hội trả qua ATM
Sở dĩ có những hạn chế kể trên do cơ chế chính sách và hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng chưa phù hợp và đảm bảo.
Theo đó, mạng lưới ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán phân bố chưa đồng đều. Hạ tầng công nghệ thông tin, thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa tốt. Sự tương thích về mặt kỹ thuật giữa ngân hàng, trung gian thanh toán với đơn vị cung ứng dịch vụ công như chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ chưa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khách quan khác như: Sự thuận tiện của tiền mặt và thói quen của người dân, tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng. Trong một số trường hợp, ngân hàng không thu được phí dịch vụ thanh toán nên chưa có nhiều động lực để triển khai, phát triển sản phẩm dịch vụ thanh toán; đồng thời, một số trường hợp khách hàng còn phải trả phí khi thanh toán qua ngân hàng cũng là rào cản khiến khách hàng ưu tiên sử dụng thanh toán bằng tiền mặt.
Trình bày về thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng, ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết từ tháng 3-2012, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện thí điểm tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến hết tháng 7-2018, cơ quan bưu điện đã thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho khoảng 2,6 triệu người (chiếm 87% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng) với số tiền khoảng 9,5 tỉ đồng. Số thực hiện chi trả qua tài khoản cả nhân chỉ thực hiện được cho khoảng 468.000 người (chiếm khoảng 13% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng) với số tiền khoảng 2.373 tỉ đồng.
Theo ông Du, hiện vẫn còn một số khó khăn trong công tác chi trả các chế độ BHXH. Cụ thể, về chi trả không dùng tiền mặt, số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng qua thẻ ATM chiếm tỉ trọng thấp so với số người hưởng do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước.
Tính đến năm 2017, có khoảng 15%, và đến tháng 2-2018 có khoảng 21% tổng số tiền thực hiện chi trả qua tài khoản ATM, tuy nhiên tỉ lệ phân bổ giữa các tỉnh, thành phố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn.
Việc sử dụng thẻ gặp khó khăn đối với những người già, yếu, cao tuổi; số lượng máy ATM chưa nhiều, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa. Việc quản lý người hưởng gặp khó khăn, như không nắm được đầy thông tin người hưởng, báo giảm chưa kịp thời, thu hồi số tiền chi trả rất khó khăn.
Về chi trả trợ cấp thất nghiệp, hiện chưa có sự kết nối thông tin giữa ngành BHXH và cơ quan lao động nên việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Bình luận (0)