Theo ông Stéphane Passeri: Chỉ dẫn địa lý có ảnh hưởng rất lớn về mặt kinh tế và xã hội ở Pháp và châu Âu. Ở Pháp, 138.000 hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp liên quan đến chỉ dẫn địa lý, doanh số hằng năm của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đem lại 18 tỉ euro, chiếm 15% doanh thu của ngành chế biến thực phẩm Pháp. 40% người tiêu dùng châu Âu được hỏi sẵn sàng trả tiền đắt hơn 10% để mua các sản phẩm có nguồn gốc đặc biệt. Hiện ở Trung Quốc đã có rất nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như: Rượu Mao Đài, chè Longiing ở Hoàng Châu, nhân sâm Changbaishan, chè Mengshan.... Còn ở VN chỉ có hai sản phẩm là nước mắm Phú Quốc và chè Shan Tuyết Mộc Châu mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Ông Trần Việt Hùng, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ, thừa nhận: Chỉ dẫn địa lý có vai trò rất quan trọng xây dựng thương hiệu nhưng hầu hết các chỉ dẫn địa lý tiềm năng của VN như: chè Mộc Châu, Thái Nguyên, Tâm Cương; quế Trà My; bưởi Phúc Trạch, Đoan Hùng... chưa được đưa vào trạng thái bảo hộ hoặc ở trạng thái bảo hộ rất yếu.
Theo giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Chỉ dẫn địa lý là công cụ để phát triển nông thôn, nó giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và cho phép nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Ông Trân cho biết: Cách đây 2 tuần, Thái Lan đã ra một luật về chỉ dẫn địa lý, luật này cấm tất cả nhãn hiệu hàng hóa mang tên một địa danh vì nó sẽ gây nhầm lẫn giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa. Chính vì vậy, ông Trân đề nghị: Nhà nước cần xem lại khung pháp lý để có quy định cụ thể cho một sản phẩm được mang tên chỉ dẫn địa lý và Nhà nước phải công nhận bảo hộ, quản lý sản phẩm ấy. Đối với những ngành hàng chủ lực của quốc gia (nông sản, thủy sản...), Nhà nước phải có chiến lược phát triển và chỉ dẫn địa lý chính là một bộ phận của chiến lược phát triển...
Bình luận (0)