Chiều 21-12, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã họp báo thông tin một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Tại cuộc họp, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, cho biết lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giảm, chỉ khoảng 300-400 xe/ngày trong khi lượng hàng hóa từ nội địa lên các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất lớn cộng với năng lực bến bãi có hạn dẫn đến tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Tính đến sáng ngày 21-12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma (thuộc tỉnh Lạng Sơn) là 4.461 xe, chủ yếu là hàng nông sản. Việc ùn ứ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, tăng thời gian xuất khẩu cũng như tăng chi phí, khó khăn cho công tác kiểm soát phòng, chống dịch và bố trí, sắp xếp các phương tiện vận chuyển.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan
Về kim ngạch chung xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ 1-12 đến hết ngày 15-12 chỉ đạt 121,65 triệu USD, giảm 40,5% so với tháng trước và giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại tỉnh Quảng Ninh, ông Âu Anh Tuấn cho biết đến sáng 21-12, vẫn còn hiện tượng ách tắc phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu mặc dù đã có sự nỗ lực giải quyết của chính quyền thành phố và các lực lượng chức năng.
Cũng theo Âu Anh Tuấn, Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20- 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường
Đặc biệt, có địa phương cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường biện pháp chống dịch ở mức cao hơn, trong đó yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chìa và cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan theo hướng lái xe chuyên trách điều khiển xe sang phía Trung Quốc giao hàng và yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe, lái xe không được xuống xe và phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 3 ngày/lần.
"Để tập trung chống dịch, phía Trung Quốc chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ công tác kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên lực lượng hải quan giải quyết thủ tục hàng hóa hiện nay rất mỏng"- ông Âu Anh Tuấn nêu rõ.
Hàng ngàn xe chở nông sản ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: Minh Tùng
Ở trong nước, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết khi Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết, càng gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên.
Bên cạnh đó, thông tin về tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu vực biên giới đến các doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái không được đầy đủ, chi tiết dẫn đến hàng hóa vẫn tiếp tục được đưa lên cửa khẩu với số lượng lớn, không được điều tiết theo diễn biến tình hình thực tế.
Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan nhấn mạnh cách thức mua bán hàng hóa nông sản vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế (hợp đồng thương mại quốc tế, các điều khoản quy định cụ thể về phương thức giao nhận hàng hóa, thanh toán tiền hàng cũng như các điều khoản quy định trong trường hợp rủi ro…) nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, lực lượng hải quan đã bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm.
"Khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo hồ sơ hải quan điện tử từ chiều hôm trước để đầu giờ sáng hôm sau đã hoàn thiện hồ sơ để thông quan ngay hàng hóa…"- ông Tuấn cho hay.
Đại diện Tổng cục Hải quan nhấn mạnh để giải quyết tình trạng này cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của nhiều bộ ngành, địa phương. Do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và các Sở Công Thương thông báo về việc phía Trung Quốc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cả trên bao bì chứa đựng hàng hóa và đề nghị các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hoá, đảm bảo không có virus SARS-CoV-2. Tổng cục Hải quan lưu ý, chỉ vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc.
Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán, thống nhất với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để thống nhất thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa nông lâm, thủy sản, hoa quả tươi trong giai đoạn 2 nước đẩy mạnh phòng dịch Covid-19, không để tình trạng đóng cửa khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu nông sản, hoa quả như thời gian vừa qua.
Bình luận (0)