* Phóng viên: "Phát súng" bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã nổ ra từ ngày 6-7. Ông có thể nói rõ bản chất của việc này?
TS PHẠM SỸ THÀNH
- TS PHẠM SỸ THÀNH, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách: Căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc bắt đầu vào tháng 3-2018 khi Tổng thống Donald Trump ký một bản ghi nhớ áp đặt mức thuế mới đối với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 60 tỉ USD. Chỉ trong vòng 3 tháng (tính từ ngày 23-3 đến 25-6), những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã leo thang chóng vánh. Những đánh đổi nhỏ của Trung Quốc nhằm thỏa mãn việc tạo ra "thương mại công bằng" của Mỹ như giảm thuế nhập khẩu ôtô, tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ cũng không cứu vãn được tình hình.
Trả đũa thương mại và chủ nghĩa bảo hộ có thể trở thành xu thế lớn, nhất là khi "thương mại công bằng" là một trong những chính sách tranh cử của Tổng thống Donald Trump để giúp nước Mỹ đòi lại lợi ích kinh tế đã bị mất từ những thỏa thuận thương mại trong quá khứ. Mỹ không chỉ thách thức Trung Quốc - đối thủ làm quốc gia này thâm hụt 370 tỉ USD - mà còn thách thức tất cả bạn hàng thương mại làm Mỹ chịu thâm hụt. Liên minh châu Âu, khối NAFTA, Hàn Quốc... cũng ở trong vòng xoáy này.
Nhìn chung, rủi ro thực sự của cuộc chiến thương mại là tác động lan tỏa, tạo ra tiền lệ để các nước khác làm theo trong bối cảnh kinh tế các nước đều có xu hướng quay về chủ nghĩa bảo hộ và đề cao chủ nghĩa dân tộc.
* Cuộc chiến tranh này sẽ tác động như thế nào đến thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam?
- Sự trả đũa lan tỏa của các đối tác thương mại lớn với nhau có thể là tương lai ảm đạm đối với các nước yếu. Có 2 tổn hại lớn, một là tổn hại đến nền tảng tăng trưởng đang phục hồi của kinh tế toàn cầu, hai là tổn hại đến chuỗi sản xuất.
Với tăng trưởng chung của kinh tế thế giới, sự đảo lộn của môi trường thương mại toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế tất cả các quốc gia. Năm 2017, theo Tổ chức Thương mại thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 4,7% nhưng năm 2018, mức tăng trưởng này có thể sẽ khó dự đoán hơn và biên độ dao động từ 3,1% - 5,5%. Điều này là do sự "bất trắc" trong chính sách thương mại của các nước lớn.
Nếu những căng thẳng này không được giải quyết, chuỗi sản xuất có thể phải điều chỉnh để thích ứng với các rào cản mới. Điều này sẽ làm nhiều nước mất lợi ích cho dù họ không có tên trong danh sách các nước chịu lệnh áp thuế trừng phạt của Mỹ và Trung Quốc. Tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài "vòng xoáy" này, nhất là khi chuỗi sản xuất sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với thị trường.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc Ảnh: TẤN THẠNH
* Việt Nam cần những kịch bản ứng phó như thế nào?
- Tuy bị ảnh hưởng nhưng có thể khẳng định Việt Nam ít chịu tác động từ căng thẳng này vì các ngành mà Mỹ trừng phạt Trung Quốc đều không phải là ngành mà Việt Nam tham gia xuất khẩu hàng hóa đầu vào nhiều sang Trung Quốc. Việt Nam cũng nằm cuối trong chuỗi sản xuất nên căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khó làm thay đổi xuất nhập khẩu của Việt Nam trong ngắn và trung hạn.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc các biện pháp trừng phạt được mở rộng sang nhiều ngành hàng khác sẽ có thể có tác động không ngờ tới. Chẳng hạn, dưới thời Tổng thống Trump, thuế chống lẩn tránh đã được đặt ra để "lần theo" dòng vốn của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhằm tránh các trừng phạt của Mỹ. Điều này sẽ đặt các nước "thứ ba" vào tầm ngắm của lệnh trừng phạt nếu hàng hóa xuất khẩu từ các nước này không chứng minh được xuất xứ "không có liên quan đến Trung Quốc". Trường hợp Mỹ điều tra thép nhập khẩu từ Việt Nam có thể là một cảnh báo cho các hoạt động điều tra dạng này.
Cũng có quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ dùng "chiến tranh tiền tệ" để đối phó với Mỹ, như chủ động phá giá đồng nhân dân tệ hoặc bán tháo trái phiếu của Mỹ. Điều này khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc càng có lợi thế so với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng sự mất giá với biên độ lớn của đồng nhân dân tệ tuần qua hoàn toàn xuất phát từ các lý do không liên quan đến trả đũa thương mại và Trung Quốc có thể theo đuổi các mục tiêu chính sách tiền tệ mang tính dài hạn hơn nhiều.
Kịch bản cụ thể có thể đưa ra dựa trên những diễn biến cụ thể trong thời gian tới bởi đến nay, chưa thể lường được cuộc chiến thương mại này sẽ kéo dài hay ngắn, có thêm động thái gì không...
* Việt Nam có thể tận dụng cơ hội đa dạng hóa xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Trung như thế nào khi hai nước này đóng cửa với nhau?
- Như tôi đã nói, thực ra, các mặt hàng Mỹ cấm vận Trung Quốc lại không phải mặt hàng lợi thế của Việt Nam. Song, đối với Việt Nam, để đem lại lợi thế cho xuất khẩu cần có chính sách tiền đồng yếu trong dài hạn. Việc phá giá một lần với biên độ lớn có thể mất tác dụng và gây ra lạm phát, bất ổn vĩ mô.
Lưu ý thêm, Việt Nam cần lường trước việc có thể xảy ra những thay đổi trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ. Theo đó, Mỹ có thể xem xét lại chính sách thương mại với Việt Nam do đang thâm hụt lớn hoặc các hàng nông sản của Mỹ có thể tìm kiếm một thị trường mới ngoài Trung Quốc và đổ bộ vào Việt Nam; hay các áp lực đòi dỡ bỏ hàng rào với hàng nông sản biến đổi gien...
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Xuất khẩu sẽ khó khăn
Các biện pháp bảo hộ, trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, nhất là về lâu dài. Trong đó, đáng quan ngại là nhập siêu từ Trung Quốc sẽ trầm trọng hơn từ sau cuộc chiến thương mại khi hàng hóa nước này khó vào Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác. Ngay 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc đã tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017. Chưa kể, xuất khẩu của Việt Nam sang nước láng giềng có thể sẽ khó khăn hơn khi một phần hàng hóa Trung Quốc lẽ ra xuất khẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa.
Tạm thời, chúng ta cần theo sát tình hình để chủ động ứng phó nhanh nhất với các diễn biến như các dòng chuyển hướng thương mại, đầu tư… Từ đó, có biện pháp thích hợp nhằm tận dụng cơ hội hoặc ngăn chặn các nguy cơ. Việc bám sát và công bố các thông tin này của Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh sản xuất; tìm kiếm thị trường, đối tác hay cân nhắc sử dụng hoặc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong, ngoài nước.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh:
Bất lợi về tỉ giá
Tuy chưa thể nêu chi tiết cuộc chiến thương mại tác động tới Việt Nam ra sao nhưng có thể nhận ra bất ổn về môi trường đầu tư và hoạt động thương mại.
Đặc biệt, có thể thấy rõ tác động về tỉ giá theo hướng không có lợi cho Việt Nam. Thời gian qua, tỉ giá USD/VNĐ đã tăng khá mạnh, một phần do USD tăng giá trên thị trường thế giới, một phần khác do nhân dân tệ mất giá so với USD. Nhưng còn một nguyên nhân khác là do tâm lý lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hậu quả của việc tỉ giá bị tác động là kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng, tâm lý đầu tư bị "lung lay", chưa kể đến nguy cơ lạm phát…
Việc Việt Nam có thể được lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong tăng xuất khẩu thì phải tỉnh táo nhìn nhận bởi mối lợi này không lớn và không chắc doanh nghiệp trong nước có chớp được thời cơ hay không… Công thức chung cho mọi doanh nghiệp là không có. Điều cần có hiện nay là một nền tảng vĩ mô ổn định, công tác dự báo tốt và minh bạch thông tin để doanh nghiệp có thể tận dụng.
Bình luận (0)