Theo thông tin, dự kiến chiều nay 11-11, Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp khẩn về các vấn đề liên quan đến công tác điều hành xăng dầu.
Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì, dự kiến bắt đầu lúc 17 giờ. Lãnh đạo các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự cuộc họp.
Ngoài ra, cuộc họp còn có sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)...
Người dân xếp hàng mua xăng tại Hà Nội. Ảnh: Hữu Hưng
Cuộc họp của Chính phủ diễn ra trong bối cảnh các bất cập về nguồn cung xăng dầu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tại Hà Nội, những ngày gần đây, nhiều cây xăng tạm ngừng bán hàng hoặc hoạt động cầm chừng, khiến người dân phải xếp hàng dài, chờ đợi hàng chục phút mới mua được xăng, dầu.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Trước đó, vào ngày 2-11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện gửi Bộ trưởng các bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối kinh doanh xăng dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
Cùng với đó, đề xuất sửa đổi các tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các quy định không hợp lý khác cần sửa đổi, bổ sung…; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và các văn bản có liên quan. Bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định.
Bình luận (0)