Một ngày sau quyết định nới hạn mức (room) tín dụng năm 2022 thêm 1,5%-2% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thông tin tính đến thời điểm này, hạn mức tín dụng của Vietcombank còn khoảng 20.000 tỉ đồng, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho khách hàng từ nay đến hết năm 2022.
Thêm nguồn để cho vay
"Hiện các doanh nghiệp (DN) đang gặp một số khó khăn về đầu ra sản phẩm, nhu cầu vốn của nhóm DN FDI cũng có phần sụt giảm. Còn nhóm khách cá nhân đủ điều kiện vay thì chưa muốn tiếp cận vốn vì đang kỳ vọng lãi suất đi xuống trong thời gian tới. Thế nên khi NHNN điều chỉnh room tín dụng, Vietcombank chỉ đề nghị được tăng thêm một tỉ lệ rất nhỏ" - ông Tùng nói thêm.
Một lãnh đạo của NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) tiết lộ room tín dụng của NH được NH Nhà nước tăng từ 10,7% lên 12,7%. Như vậy, với dự nợ cho tín dụng hơn 1 triệu tỉ đồng và tỉ lệ tăng thêm 2%, VietinBank sẽ dành số tiền khoảng 20.000 tỉ đồng để cho vay từ nay hết năm 2022.
"Với tình hình cạnh tranh tiền gửi đang diễn ra khá mạnh, chúng tôi phải nỗ lực huy động vốn từ dân cư và các tổ chức tài chính để sử dụng room tín dụng hiệu quả, tập trung cho vay các DN sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu" - lãnh đạo NH này nói.
TS Nguyễn Văn Thuận (Trường Đại học Tài chính - Marketing) nhận định việc NHNN điều chỉnh hạn mức tín dụng toàn hệ thống NH là hợp lý. Bởi, trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng của một số NH thương mại đã gần hết, việc tăng thêm room sẽ tạo điều kiện cho các NH này đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nhóm DN sản xuất - kinh doanh hàng hóa tiêu dùng vào dịp cuối năm.
Mặt khác, sau khi room tín dụng được tăng thêm, một số NH có thể mạnh dạn bơm vốn cho nhóm DN lớn nhưng đang gặp khó khăn về tài chính, để nhóm này cân đối dòng tiền, ổn định hoạt động, tiếp tục thực hiện các dự án đang triển khai.
Đón nhận thông tin nới room tín dụng, các DN là những đơn vị vui mừng hơn cả, bởi DN nào cũng cần vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cuối năm tăng cao. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, nhận định việc nới room tín dụng thêm khoảng 200.000 tỉ đồng cho nền kinh tế dịp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN phân loại các NH thương mại để phân bổ hạn mức nhằm bảo đảm an toàn và có sự hỗ trợ cho DN tốt.
"Chỉ đạo của Thủ tướng là rất cần thiết và càng cần hơn nữa là việc chỉ ra những nhóm DN cụ thể để được hỗ trợ. Còn nếu nói chung chung, tất cả DN đều nghĩ sẽ được tiếp cận vốn vay. Chúng tôi mong muốn Chính phủ và NHNN chỉ ra cụ thể những nhóm ngành, lĩnh vực DN nào cần được quan tâm ưu tiên hỗ trợ hoặc những DN nào mang tính đầu tàu, tác động lan tỏa, là ngành kinh tế tổng hợp… sẽ được hỗ trợ trước, cụ thể và rõ ràng để dòng vốn đến đúng hướng, hiệu quả. Các DN cũng mong muốn được chỉ rõ cách thức tiếp cận, làm việc với ai, NH nào?" - ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.
Chẳng hạn như lĩnh vực du lịch và hàng không, ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, đang rất cần dòng vốn tín dụng để phục hồi nhanh và mạnh trong giai đoạn này và năm tới. Cần kế hoạch triển khai cụ thể để dòng vốn tín dụng đi đúng hướng, đúng đối tượng cần và đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Sau khi room tín dụng được tăng thêm, một số NH có thể mạnh dạn bơm vốn cho nhóm DN lớn nhưng đang gặp khó khăn về tài chính, để nhóm này cân đối dòng tiền, ổn định hoạt động. Ảnh: TẤN THẠNH
Không để vốn vào lĩnh vực "đầu cơ"
Trước đó, đề xuất nới room tín dụng từng được nhiều DN, hiệp hội kiến nghị trong bối cảnh các kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế gặp khó khăn. Dù vậy, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, lưu ý về dòng vốn tín dụng sẽ chảy vào đâu sau khi nới room?
Nếu để dòng tiền chảy vào thị trường đầu cơ càng nguy hiểm hơn, trong khi bơm vốn đúng chỗ, đúng nơi cần cũng rất khó. Như thị trường bất động sản, hiện rất nhiều DN nhỏ, không tiếng tăm nhưng nếu chính sách gỡ khó về thủ tục để họ tiếp tục đưa vốn vào đầu tư, triển khai dự án thì họ vẫn hoạt động tốt và mấu chốt là cần phải gỡ vướng cho hàng trăm dự án đang gặp khó khăn về thủ tục…
"Dù nới room hay không, tôi đề xuất vẫn cần ưu tiên vốn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, những dự án có thị trường, có nhu cầu… phải luôn bảo đảm vốn để triển khai. Không bơm vốn để nuôi "bệnh" với những DN yếu kém, làm sai. Quan trọng nhất là bản thân các DN phải tự tái cơ cấu, tự tìm đường cứu mình, không thể trông chờ nhà nước giải cứu" - TS Trần Du Lịch nói.
Thực tế, vài ngày trước, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức cho vay chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỉ lệ bảo đảm an toàn, tích cực giải ngân vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao...
Lãnh đạo Vietcombank cho hay trên cơ sở hạn mức tín dụng được NHNN phân bổ, từ nay tới cuối năm NH dự kiến tập trung cho vay sản xuất - kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như các dự án trọng điểm quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, dự án năng lượng, sản xuất thiết yếu, phương án kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, y tế, giáo dục - đào tạo... Đặc biệt là cung ứng đủ vốn cho các DN nhập khẩu xăng dầu.
"NH cũng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng, góp phần nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước. Vietcombank tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hướng đến mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý" - lãnh đạo Vietcombank nói.
Lãnh đạo một NH thương mại nhà nước cũng cho hay NH này vẫn còn room tín dụng và sẽ ưu tiên tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vốn là thế mạnh của NH trong dịp cuối năm này.
Bình luận (0)