Hội đồng thẩm định trên do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng. Thành viên hội đồng gồm đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các ủy viên phản biện. Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan thường trực của Hội đồng.
Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng và các thành viên, Cơ quan thường trực hội đồng, các ủy viên phản biện thực hiện theo Điều 33, 34, 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Một góc sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Hoàng Triều
Hội đồng trên đều hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn tất dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và đưa ra lấy ý kiến góp ý.
Theo đó, hai cảng hàng không mới được bổ sung vào quy hoạch là sân bay Cao Bằng và sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn định hướng đến 2050. Cơ quan soạn thảo chưa xác định vị trí của sân bay thứ hai của Hà Nội, chỉ nêu nghiên cứu vị trí sau năm 2040 do có nhiều yếu tố ảnh hưởng vị trí sân bay trong tầm nhìn 30 năm.
Dự thảo không có sân bay Hà Tĩnh, Thành Sơn như đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh và Ninh Thuận trước đó.
Dự thảo cũng đưa ra kế hoạch nâng cấp, mở rộng một số sân bay hiện hữu như Nội Bài, Đà Nẵng, Thọ Xuân. Còn sân bay Long Thành được xây dựng hoàn thiện giai đoạn 1 vào năm 2025, và tiếp tục phát triển lên 4 đường băng, thêm nhà ga... để đạt công suất 120 triệu khách vào năm 2050.
Tổng mức đầu tư thực hiện các dự án giai đoạn 2020 - 2030 ước tính khoảng 365.100 tỉ đồng; giai đoạn 2030 - 2050 khoảng 866.360 tỉ đồng.
Bình luận (0)