Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng
Theo quyết định trên, việc triển khai thí điểm Mobile Money nhằm góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Việc giao cho các doanh nghiệp (DN) viễn thông (nhà mạng) triển khai thí điểm là để tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người dân.
Sắp tới, những người không có tài khoản ngân hàng, người ở vùng sâu, hải đảo cũng có thể dùng điện thoại để thanh toán hàng hóa, dịch vụ .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Được biết, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money, các nhà mạng sẽ phải lập đề án, phương án triển khai trình các cơ quan liên quan thẩm định. Sau khi được thông qua mới tiếp tục triển khai mở tài khoản cho khách hàng.
Những DN thực hiện thí điểm sẽ cung ứng dịch vụ cho phép chủ tài khoản Mobile Money nạp tiền mặt vào tài khoản tại các điểm kinh doanh được quy định, nạp tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng hoặc từ ví điện tử. Rút tiền mặt; thanh toán hàng hóa, dịch vụ; chuyển tiền… theo quy định.
Điểm khác biệt lớn nhất của dịch vụ Mobile Money so với các dịch vụ tài chính, ngân hàng, ví điện tử là chủ tài khoản có thể nạp tiền trực tiếp vào tài khoản mà không cần liên kết với ngân hàng thương mại.
Đáng lưu ý, chủ tài khoản Mobile Money không được giao dịch quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Dịch vụ Mobile Money sẽ được thí điểm trong 2 năm kể từ thời điểm DN đầu tiên được chấp thuận triển khai. Kết quả sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.
Ưu tiên vùng sâu, hải đảo
Việc triển khai thí điểm Mobile Money được áp dụng trên phạm vi toàn quốc nhưng quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ các DN phải ưu tiên triển khai dịch vụ này tại những địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam. Mobile Money chỉ áp dụng đối với các giao dịch nội địa hợp pháp bằng VNĐ, không được thực hiện thanh toán, chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhận định khi Mobile Money được triển khai, cùng với việc quy định về định danh trực tuyến (eKYC) vừa chính thức áp dụng từ đầu tháng 3-2021 sẽ góp phần khép kín các kênh thanh toán không dùng tiền mặt. "Người dùng Việt Nam sẽ không thiếu công cụ để sử dụng cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Những người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo… sau khi mở tài khoản Mobile Money có thể ngồi nhà để chuyển tiền, thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt về lâu dài, dịch vụ này cũng góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, khi người dân vùng sâu, vùng xa đã quen với việc chuyển tiền, thanh toán qua Mobile Money sẽ dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính, ứng dụng của ngân hàng hơn" - chuyên gia này nói.
Báo cáo về dịch vụ Mobile Money của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV cho thấy còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Việc phát triển các hình thức thanh toán mới, hiện đại, bao gồm cả Mobile Money phục vụ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ tại chiến lược phát triển tài chính toàn diện.
Để triển khai dịch vụ mới này hiệu quả, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản khách hàng bằng cách quy định phải luôn có mã xác thực, mã PIN hoặc mật khẩu khi thực hiện giao dịch trên điện thoại. Giải pháp này nhằm xác minh danh tính người dùng; cho phép mọi giao dịch được giám sát, có thể định vị thuê bao di động thực hiện giao dịch. Ngoài ra, người sử dụng cũng cần nâng cao ý thức và hành động để bảo mật, hiểu về quyền và thủ tục khiếu nại để giải quyết hiệu quả khi rủi ro xảy ra.
"Cần hoàn thiện công tác định danh khách hàng với các quy định về xác minh, định danh khách hàng; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp mã công dân. Các DN viễn thông nhanh chóng hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, định danh khách hàng, kiểm soát sim rác…" - TS Cấn Văn Lực góp ý.
Cấm cho vay, huy động vốn trên Mobile Money
Theo quyết định của Thủ tướng, DN thực hiện thí điểm sẽ bị cấm khi cung ứng hoặc sử dụng các kênh, hình thức khác (ngoài các kênh, hình thức nạp tiền, rút tiền đã được quy định) để nạp tiền vào/rút tiền ra từ tài khoản Mobile Money; cung ứng hoặc sử dụng tài khoản Mobile Money cho các nghiệp vụ khác ngoài việc nạp tiền, rút tiền, thanh toán, chuyển tiền đã được quy định.
Các DN còn bị cấm cấp tín dụng cho chủ tài khoản Mobile Money, trả lãi trên số dư tài khoản này hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản so với giá trị tiền khách hàng đã nạp vào.
Hoạt động ngân hàng như cho vay, huy động vốn cũng bị cấm với các nhà mạng thí điểm Mobile Money. Việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua bán tài khoản và thông tin tài khoản Mobile Money sẽ không được phép.
Bình luận (0)