Đến tháng 3-2020, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch bệnh đã được khống chế khi gần 99% số xã đã qua 30 ngày không còn dịch. Hiện đàn heo cả nước vẫn còn 24 triệu con, bằng 74% so với tổng đàn 31 triệu con vào cuối năm 2018 - khi chưa xảy ra dịch bệnh. Trong đó, đàn heo nái còn 2,7 triệu con, các doanh nghiệp (DN) tập trung nguồn lực giữ đàn heo "cụ kỵ, ông bà" và đã giữ được 90% (khoảng 109.000 con) chưa bị bệnh, cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống, phục vụ tái đàn. Ngoài ra, các điều kiện về chuồng trại, thức ăn chăn nuôi vẫn còn đủ. Thế nhưng, sau một cái Tết, người tiêu dùng phải ăn thịt heo giá cao tương đương thịt bò và giá heo vẫn không chịu giảm.
Theo ghi nhận giá heo hơi những ngày gần đây trên thị trường, nhiều nơi vượt mức 80.000 đồng/kg, đồng nghĩa với việc giá thịt heo pha lóc đến người tiêu dùng từ 120.000-250.000 đồng/kg, tùy loại. Trong điều kiện chăn nuôi bình thường, không dịch bệnh, giá heo hơi 50.000 đồng/kg là "mơ ước" của người chăn nuôi nên mức giá 80.000 đồng/kg, các đơn vị chăn nuôi đã lãi đậm. Để đưa giá heo về mức hợp lý, các cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn.
Giá heo hơi đang quá cao
Mới đây nhất, ngày 12-3, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông nghiên cứu nội dung báo cáo và kiến nghị của Tổng cục Thống kê để phục vụ hoạt động tham mưu, chỉ đạo điều hành; bảo đảm sớm giảm giá thịt heo theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Riêng Bộ NN-PTNT được giao chủ trì cùng Bộ Công Thương và các cơ quan chỉ đạo cung cấp đầy đủ số lượng, chất lượng bảo đảm giá cả cho người dân không được để tăng giá, trong khi giá thành sản xuất thịt heo thấp. Trong hội nghị trực tuyến chiều 12-3 của Bộ NN-PTNT, lãnh đạo bộ liên tục nhắc 17 DN chăn nuôi heo lớn nhất Việt Nam đưa giá heo hơi xuống mức 70.000 đồng/kg để bảo đảm sản xuất bền vững, công bằng với người tiêu dùng.
Với mệnh lệnh hành chính, giá heo hơi khó giảm ngay lập tức mà vẫn còn chờ các giải pháp tổng thể để thị trường điều tiết về mức hợp lý. Theo giới chuyên môn, ngành nuôi heo vẫn hết sức rủi ro khi dịch tả heo châu Phi vẫn chưa có vắc-xin, mầm bệnh vẫn còn nên nguy cơ bùng phát vẫn còn có thể xảy ra. Để tái đàn an toàn, người chăn nuôi cần vốn lớn để đầu tư cơ sở vật chất mới nhưng ngân hàng gần như không cho vay vì ngại rủi ro. Do đó, để sớm phục hồi đàn heo, người chăn nuôi cần được hỗ trợ về vốn để tái đàn.
Theo một chuyên gia chăn nuôi, nếu tỉ lệ hao hụt trong chăn nuôi heo giảm còn 10% (hiện nay khoảng 25%) thì giá heo sẽ nhanh chóng giảm xuống 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, hạn chế trung gian mới có thể rút ngắn khoảng cách giá cả giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Bình luận (0)