Cuối tuần qua, Ngân hàng (NH) Nhà nước đã yêu cầu tổ chức tín dụng cắt giảm tối đa các loại chi phí, tính toán giảm lãi suất cho vay, cơ cấu thời hạn trả nợ và công khai chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch hiện nay.
Mong bớt gánh nặng
Nhân viên tín dụng một NH thương mại quy mô lớn cho biết từ khi dịch Covid-19 trở lại vào cuối tháng 5 ở TP HCM đến nay, nhiều DN liên hệ hỏi về chính sách hỗ trợ, miễn giảm lãi vay. Tuy nhiên, chi nhánh phải chờ chính sách chung từ hội sở chứ không dám tự đưa ra quyết định hỗ trợ cho bất kỳ khách hàng nào.
Thực tế hiện nay, nhu cầu được giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ hoặc miễn, giảm phí giao dịch của khách hàng cá nhân và DN đang rất lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề của dịch Covid-19.
"Dịp hè là mùa du lịch lớn kéo dài nhất trong năm nhưng đến giờ thì không còn hy vọng gì. Để duy trì hoạt động chờ hết dịch, chúng tôi đang vay tại một NH thương mại ở TP HCM với lãi suất 9,5%/năm để lấy vốn lưu động. Tôi cũng vừa liên hệ NH xem có được giảm thêm lãi vay nhằm bớt chi phí tài chính nhưng chưa được NH trả lời" - giám đốc một công ty du lịch ở TP HCM cho hay.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng không để xảy ra tình trạng chậm tiêu thụ nông sản do không tiếp cận được vốn Ảnh: AN NA
Giám đốc một DN trong lĩnh vực sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế cho biết vừa được giải ngân 50 tỉ đồng vốn lưu động, với lãi suất 8,5%/năm tại NH cổ phần quy mô nhỏ nhưng ông vẫn kỳ vọng được giảm thêm lãi suất để bớt chi phí đầu vào.
Một trong những khó khăn của các DN sản xuất, kinh doanh hiện nay là chi phí đầu vào tăng cao nhưng lại không dám tăng giá bán vì sức mua yếu do người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh dịch bệnh. Rất nhiều DN cho biết đang hoạt động mà không có lãi nên việc giảm lãi suất hay cơ cấu thời hạn trả nợ dù ít cũng giúp họ giảm bớt gánh nặng.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho hay những ngành như chăn nuôi gia súc, gia cầm đang chịu áp lực lớn trước việc giá thức ăn chăn nuôi tăng 20%-30%; chi phí vận tải, vận chuyển cũng tăng cao, trong khi đầu ra bị ảnh hưởng mạnh khiến DN không dám tăng giá bán. "Mức lãi suất hiện tại theo tôi là hợp lý. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 hiện nay, các NH nên có chương trình hỗ trợ ngắn hạn để chia sẻ khó khăn cùng DN. Bởi nguồn vốn lưu động trong ngắn hạn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thời điểm này rất cần thiết với các DN" - ông Thiện đề xuất.
Tiết giảm chi phí để hạ thêm lãi vay
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), cho biết chủ trương giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN, khách hàng và nền kinh tế được VietinBank thực hiện suốt thời gian qua, với nhiều gói tín dụng ưu đãi cho từng nhóm đối tượng. Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng tại VietinBank đạt khoảng 4%.
Ông Lê Đức Thọ cho rằng mặt bằng lãi suất tại VietinBank đang nằm trong nhóm thấp nhất thị trường nhưng theo yêu cầu của NH Nhà nước, VietinBank sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để gia tăng hiệu quả về quản trị hoạt động, chi phí, chất lượng để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, NH đang đẩy mạnh phát triển các kênh huy động vốn, kênh thanh toán, miễn phí giao dịch để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi… Từ đó có nguồn vốn huy động đầu vào rẻ hơn, góp phần giảm lãi suất cho vay.
Tuy vậy, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất không phải điểm nghẽn lúc này vì mặt bằng đang ở mức khá thấp. Vấn đề là nhu cầu tín dụng còn thấp trong bối cảnh DN tiếp tục gặp khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng phải kiểm soát cho vay vào những lĩnh vực rủi ro, nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. "Nếu giảm lãi suất, lượng cung tiền được bơm ra nhiều, có thể tạo áp lực lạm phát, trong khi bên vay có thể vay tiền đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro, tiềm ẩn nợ xấu. Dư địa giảm lãi suất cho vay không nhiều trong bối cảnh một số NH điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào gần đây và thanh khoản không còn dồi dào như năm ngoái. Do đó, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới cũng là thành công" - TS Cấn Văn Lực nhận định.
Trong bối cảnh này, theo TS Cấn Văn Lực, một yếu tố quan trọng là cả tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn cần trao đổi để cơ cấu lại khoản nợ cho phù hợp, cấu trúc lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và xây dựng phương án kinh doanh khả thi nhằm góp phần phục hồi càng sớm càng tốt.
Theo yêu cầu của NH Nhà nước, các NH thương mại cần tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới... theo thẩm quyền và theo quy định; kiểm tra, giám sát chặt việc triển khai chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân chưa trả được nợ do dịch bệnh.
Các NH thương mại thực hiện cắt giảm tối đa chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng. Từng tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của đơn vị mình để tính toán giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác. Không để xảy ra tình trạng chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng... Đáng lưu ý, các NH cần công bố mức lãi suất hỗ trợ, biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, DN được biết.
Bình luận (0)