Ở TP HCM, các cửa tiệm, trung tâm chăm sóc, thẩm mỹ cho chó, mèo đã xuất hiện nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu này.
Yêu như yêu con
Nhân viên tiệm làm đẹp thú cưng đang chải lông, massage cho chú chó theo yêu cầu của khách.
Đều đặn cứ mỗi tháng một lần, chị Hồng Yến, 23 tuổi, nhà ở quận 10, lại đưa chú chó giống Poolde gần một tuổi của mình đến sử dụng dịch vụ ở tiệm chăm sóc thú cưng trên đường Trần Khánh Dư (quận 1). Dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp nào ở tiệm, chị cũng đã cho chó cưng mình trải qua, không chỉ tắm rửa, sấy, chải lông, cắt dũa móng, mà còn làm vệ sinh tai, nhuộm lông, cạo vôi răng, kể cả… massage.
Chị kể khi con vật còn nhỏ, chị chỉ đưa đi tắm gội và chải lông, về sau khi đã lớn, cứng cáp hơn, chị sử dụng dịch vụ làm đẹp trọn gói. “Mỗi lần như vậy, tốn khoảng 500.000-600.000 đồng. Em cún như người bạn nhỏ vậy, mình muốn em được thư giãn, được hưởng những dịch vụ như con người” - chị Yến nói.
Anh Hoàng Duy, 30 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, hiện đang nuôi hai chú chó Poolde hai tháng tuổi. Vì công việc bận rộn lại không khéo léo nên thường hai tuần một lần, anh lại đưa chúng đến tiệm tắm gội. Nếu tuần nào bận đi công tác, không có thời gian, anh chỉ cần gọi điện đến tiệm, nhân viên sẽ mang xe chuyên dụng đến đón thú cưng của anh.
“Vệ sinh xong, các bé (cách anh gọi hai chú chó của mình) ở lại đó nghỉ ngơi, khi nào mình có ở nhà, nhân viên lại chở bé về. Ở nhà, mình chỉ cần xoa dầu thơm, dưỡng da cho bé. Rất tiện lợi” - anh Huy cho biết.
Không ít những khách hàng như anh Huy, chị Yến, từ khi có dịch vụ làm đẹp độc đáo cho thú cưng này, hàng tháng sẵn sàng bỏ ra từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng để vật nuôi của mình đẹp hơn. Bà Trần Thị Lan, 63 tuổi, ở quận Bình Thạnh, kể rằng nhiều người bảo bà hoang phí khi chi gần 500.000 đồng để tạo kiểu lông cho con mèo nuôi trong nhà. Nhưng với bà Lan, đó không chỉ là một thú chơi mà còn là tình cảm đối với con vật đã gắn bó, trung thành với mình.
“Vợ chồng tôi về hưu rồi. Con cháu bận học, bận làm suốt ngày, có mỗi con mèo này làm bạn, tiếc chi vài trăm ngàn để nó được đẹp hơn. Mang đi dạo ngoài đường, ai cũng trầm trồ khen giống mèo trong phim, cũng tự hào lắm” - bà Lan nói.
Chăm sóc công phu
Hình ảnh những chú chó trên phim ảnh phương Tây với hai tai, bốn chân nhuộm xanh, đỏ, lông uốn xoăn độc đáo hay những chú mèo Nhật Bản xuất hiện trên Facebook với bộ lông bóng mượt, được cắt tỉa gọn gàng càng kích thích niềm đam mê làm đẹp cho chó, mèo của nhiều người.
Là chủ tiệm Little Dog (đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), một trong những spa cho thú cưng đầu tiên ở TP HCM, chị Nguyễn Ngọc Thùy Dương, bắt đầu công việc làm đẹp cho chó, mèo từ cách đây tám năm. Để có kiến thức, chuyên môn trong việc làm đẹp cho thú cưng, chị Dương phải theo một khóa học kéo dài nửa năm ở Thái Lan.
“Ở nước ngoài nghề này đã có từ lâu, nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn mới. Việc làm đẹp cho thú cưng không đơn thuần là cắt tỉa lông cho gọn gàng. Mỗi khuôn mặt, mỗi loại lông của con vật hợp với những kiểu dáng khác nhau, người làm nghề phải nắm rõ” - chị Dương chia sẻ.
Cũng đến với công việc từ tình yêu dành cho những con vật nuôi trong nhà nhưng chị Trần Hà Nhi, nhân viên tiệm chăm sóc chó cưng The Heaven of pets trên đường Trần Quý Cáp (quận Bình Thạnh), đã tự mày mò học cách tạo kiểu lông, chăm sóc móng cho chó, mèo trên các trang web nước ngoài. Nhiều người trong gia đình đã phản đối khi chị theo nghề này nhưng với chị, làm đẹp cho những người bạn bốn chân đã là một niềm đam mê.
Theo chị Nhi, không giống như cách vệ sinh truyền thống của nhiều người nuôi chó, mèo, để bộ lông mượt đẹp, mỗi lứa tuổi, mỗi giống có những cách tắm, chải, gội, và sử dụng dầu gội khác nhau. “Cún, mèo vài tháng tuổi thì chỉ nên tắm khô, chỉ cần dùng một loại bột chuyên dụng để xoa lên thân vật nuôi mà không cần sử dụng nước. Ở lứa tuổi này cũng không nên cạo lông, tạo hình cho chúng, lông còn yếu, rất dễ gãy rụng” - chị Nhi cho biết.
Tùy theo kỹ thuật, kinh nghiệm của mỗi người mà thời gian cắt, tạo kiểu cho chó, mèo dài hay ngắn. Những người mới vào nghề thường phải mất 40 phút để cắt tỉa hoàn chỉnh cho bộ lông của một chú chó Poolde. Tuy nhiên, nhiều nhân viên cho rằng, nền tảng quan trọng nhất khi theo công việc này là tình yêu với động vật và sự nhẫn nại. Chị Thùy Dương cho hay một yêu cầu bất thành văn ở hầu hết các cửa tiệm spa hay bán thức ăn cho thú cưng khi tuyển dụng nhân viên là người đó phải yêu chó, mèo.
“Nếu không yêu thì sẽ không làm bạn được với chúng. Mà không làm bạn được thì khó mà thao tác trên thân thể của chúng được. Có chú chó khó tính, nhân viên phải mất cả buổi mới làm quen trước khi đưa đi cắt móng. Đó là đặc điểm của nghề này rồi” - chị Dương giải thích.
Bình luận (0)