Trước cánh cửa lớn về hội nhập, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN..., doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ sẽ là những đối tượng chịu tác động rất mạnh. Làm sao những DN này “chòi đạp” để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt bởi ngay cả tham gia vào TPP, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế nhưng cũng chỉ là cơ hội chứ không phải ưu thế trên sân nhà.
Chậm chân, lợi thế chỉ dừng ở “cơ hội”
Các ngành được nhận định sẽ “sáng giá” nhất của Việt Nam khi vào TPP gồm dệt may, da giày và nông sản. Trong đó, dệt may gần như không có đối thủ. Hoặc với ngành đồ gỗ, mức thuế suất từ 4%-7% cũng sẽ giảm dần về 0% và đang có làn sóng dịch chuyển rất lớn các đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam để tận dụng lợi thế này. Trong khi đó, khối DN vừa và nhỏ trong nước lại có vẻ “bình chân như vại”.
Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc Công ty May túi xách Hami, thừa nhận đến giờ, nhiều DN nhỏ không biết nội dung của TPP thế nào và sẽ tác động đến ngành, lĩnh vực của mình ra sao. DN vừa và nhỏ chủ yếu tự phát, hoạt động theo mô hình gia đình với vài chục đến vài trăm công nhân nên nghĩ TPP không quá thách thức. “Ngay cả tôi cũng chỉ biết thông tin về TPP qua phương tiện truyền thông và thấy chưa có gì ảnh hưởng. Có thể do được tiếp cận thông tin không đầy đủ nên DN cảm thấy TPP và các FTA có vẻ rất xa. Và cũng vì thiếu thông tin nên chúng tôi không biết tác động cụ thể của hội nhập tới ngành, tới DN của mình như thế nào để chuẩn bị. Hiển nhiên như thế sẽ rất thiệt thòi” - ông Dũng nói.
Chủ tịch Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, ông Võ Trường Thành, cũng cho rằng chính vì thiếu thông tin làm DN thua ngay trên sân nhà, chứ chưa nói đến cạnh tranh ở nước ngoài. Với các FTA trước đây, trong quá trình đàm phán, DN ông chỉ có thông tin chung chung và sau khi hiệp định đã ký kết, bản thân Gỗ Trường Thành phải tham gia rất nhiều hội thảo, hội nghị mới hiểu được nội dung để có định hướng cho hoạt động xuất khẩu, kinh doanh. “Lần này, với TPP, Thủ tướng có giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành giúp DN sớm tận dụng ưu đãi, lợi thế nhưng tiến trình này cần được đẩy nhanh. Bởi có những sự chuẩn bị - như việc trồng rừng hoặc xây dựng vùng nguyên phụ liệu cho dệt may phải mất vài năm, chứ không thể 3-6 tháng là xong được” - ông Thành kiến nghị.
Vẫn có những tập đoàn “cúc áo, đế giày”
Nhờ nhiều năm gắn bó với Hội Dệt may TP HCM, nhất là với những DN nhỏ mà ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thuê đan TP HCM, biết được những câu chuyện “chòi đạp” của DN để tồn tại, vươn lên trong khó khăn. Một số DN nhỏ vẫn sống tốt bên cạnh các ông lớn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chẳng hạn, với ngành dệt may có những DN nhỏ phù hợp với đặc điểm của các đơn hàng nhỏ, đi vào ngóc ngách thị trường và phù hợp với tay nghề, thiết bị của họ. Các DN này kết nối với những khách hàng tương đối nhỏ ở Úc, Mỹ nhưng vẫn làm được FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) hoặc ODM (chủ động từ nguyên liệu đến thiết kế sản phẩm)... Hoặc một số DN liên kết lại với nhau trong một công đoạn nào đó thì vẫn tồn tại được và quan trọng không kém, DN nhỏ sẽ có bộ máy chi phí tiết kiệm hơn.
Ở nước ngoài, có rất nhiều tập đoàn chỉ chuyên sản xuất một mặt hàng, phụ kiện nhưng cung cấp cho thị trường toàn cầu. Điều này cho thấy không bao giờ thiếu cơ hội cho DN nhỏ Việt Nam trước cánh cửa hội nhập. Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Tập đoàn Việt Hương, cũng chia sẻ trong KCN Việt Hương (Bình Dương) có tới 18 DN chuyên làm đế giày với vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD, trong đó gần 50% là DN FDI. Họ chỉ cần đầu tư khoảng vài triệu USD nhưng lợi nhuận mỗi năm 30%, thậm chí có DN chỉ sau vài năm hoạt động đã mở rộng thêm 8 xưởng làm đế giày với đủ chủng loại, trở thành thương hiệu đế giày có tiếng của Đài Loan. “Chúng ta hay bị tâm lý thích cái gì cũng phải “hoành tráng”, trong khi chỉ cần chuyên một mặt hàng từ cây kim, cúc áo, dây kéo hoặc đế giày... là đã có thể tự tin hội nhập” - ông Chi đúc kết.
TS Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng điều DN cần nhất lúc này là thông tin: Phải hiểu rõ nội dung, quy định từ các FTA, TPP mới có thể tận dụng được cơ hội. Những thông tin về thị trường xuất khẩu, đối tác làm ăn ở nước ngoài hoặc dự báo nhu cầu nhập khẩu của khách hàng trong tương lai cũng rất cần cho DN, giúp họ hoạch định chiến lược kinh doanh, tìm kiếm đối tác, thị trường mới. Muốn kinh doanh trong xu hướng cạnh tranh gay gắt hiện nay, một điểm cần thiết là DN phải nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin. “Thực tế này đã thôi thúc Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế xây dựng “trung tâm dữ liệu kinh tế tài chính”, mục đích cung cấp thông tin về kinh tế Việt Nam và các nền kinh tế khác, với những dữ liệu của cả DN niêm yết hoạt động tại các nước trên thế giới. Khi đó, nhà đầu tư và DN sẽ có thêm một kênh tiếp cận thông tin đầy đủ hơn” - ông Chí chia sẻ.
Ý KIẾN
Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành:
Ngành gỗ có lợi thế về nguồn nguyên liệu
Ngành gỗ có may mắn nhờ chương trình trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ cách đây vài năm, dù hiện nay chỉ mới trồng được khoảng 2,3 triệu ha nhưng đã được khai thác thường xuyên nên sẽ đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào. Một số thông tin nói ngành gỗ vẫn phải nhập khẩu 60%-70% nguyên liệu là không chính xác. Theo con số mới nhất, hiện nay, DN trong ngành chỉ nhập khoảng 30% và chủ yếu được sản xuất từ gỗ rừng trồng trong nước nên sẽ sớm có lợi thế thuế suất về 0%. Ngay Gỗ Trường Thành, với khoảng 14.000 ha rừng tự trồng, đang giúp chúng tôi có thể tận dụng lợi thế từ TPP trong một vài năm tới.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thuê đan TP HCM:
Cần “cú hích” từ chính sách
Các DN vừa và nhỏ điều kiện tiếp nhận thông tin về FTA, TPP rất hạn chế. Vừa rồi, Sở Công Thương TP HCM và các hiệp hội trên địa bàn đã lên kế hoạch, đề nghị nhà nước hỗ trợ nhằm có một chương trình tuyên truyền, đánh giá tác động cho từng ngành cụ thể. Bởi thông tin hiện nay mới chỉ dừng ở góc độ khái quát, trong khi DN cần thông tin chi tiết. Hy vọng chương trình của Sở Công Thương đẩy mạnh từ nay đến đầu năm sau sẽ hỗ trợ nhiều cho DN. Riêng với ngành dệt may, yêu cầu cấp thiết nhất là xây dựng vùng nguyên phụ liệu, nếu không thì chúng ta chỉ nhìn lợi thế đó bằng sự thèm muốn và khát khao, chứ chưa tận dụng được. Chậm còn hơn không, nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ quyết liệt cho công nghiệp hỗ trợ, kể cả khuyến khích DN nước ngoài vào các khâu sợi, dệt, nhuộm...
Ông Trần Bá Dũng, Phó giám đốc Công ty may túi xách Hami:
Khó cạnh tranh với hàng ngoại trên sân nhà
Kinh tế khó khăn những năm qua đã khiến các DN vừa và nhỏ phải cạnh tranh gay gắt trên sân nhà. Nay, với hàng loạt các FTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và TPP, hàng ngoại sẽ tràn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn. Tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt cũng góp phần “gây khó” cho hàng nội địa. Một sản phẩm nội có chất lượng tương đồng nhưng người tiêu dùng vẫn chọn hàng do DN FDI sản xuất vì có công nghệ, quản trị và quảng bá tốt hơn, đây mới là nguy cơ lớn cho DN trong nước. Trong khi đó, để vận hành được một DN nhỏ hoạt động hiệu quả trong bối cảnh khó khăn này đã khó, chưa nói đến đầu tư phát triển những mô hình tốt hơn để cạnh tranh với nước ngoài trên sân nhà... Linh Anh ghi
Bình luận (0)