xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chôn vốn vàng: Quá lãng phí!

TÔ HÀ

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cảnh báo chính sách độc quyền vàng hiện nay có thể khiến nhiều rủi ro bị nén lại và đến một ngưỡng nhất định sẽ bùng phát

Trong khi nhiều mục tiêu của chính sách quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 vẫn chưa đạt được thì người dân có vàng thêm một lần bất an khi nhiều ngân hàng (NH) thương mại tùy tiện đóng - mở dịch vụ giữ hộ vàng.

“Đuổi” khách VIP gửi vàng

Gửi gần 30 lượng vàng tại Phòng giao dịch ngân hàng (NH) ACB Hoàng Cầu (TP Hà Nội), chị H. vừa bất ngờ được nhân viên NH thông báo đến nhận lại vàng, NH không giữ hộ nữa. Trước đó, chính nhân viên này tư vấn cho chị cách gửi vàng với cam kết giữ hộ vô thời hạn.
img

Nguồn lực vàng trong dân hiện rất lớn nhưng đến nay các chính sách quản lý vẫn chưa khai thác được thế mạnh của dòng vốn này Ảnh: HỒNG THÚY

Bất bình với cách hành xử tiền hậu bất nhất của NH và lo lắng không biết cất vàng ở đâu cho an toàn, chị H. yêu cầu được làm việc với lãnh đạo phòng giao dịch. Trong buổi làm việc, NH giải thích đây chỉ là hiểu nhầm do sơ suất của nhân viên. ACB không đóng dịch vụ giữ hộ vàng mà chỉ đề nghị khách đến làm thủ tục theo quy định mới, tức là khách hàng phải tất toán nhận lại vàng, ký hợp đồng gửi vàng (thay cho Thẻ giữ hộ), NH sẽ ghi lại số series, kiểm đếm, kẹp chì niêm phong và trả lại nguyên trạng số vàng đó khi đến hạn tất toán. Khách hàng phải nộp 100% phí giữ hộ theo kỳ hạn gửi.

Giám đốc phòng giao dịch ACB Hoàng Cầu phân bua sở dĩ có sự thay đổi là do NH phải tuân thủ Chỉ thị 05 ngày 27-4 của Thống đốc NH Nhà nước. Vị này cũng thừa nhận nhiều khách hàng đều bức xúc khi có sự thay đổi về chính sách nhưng không muốn rút vàng về hoặc bán lại cho NH để chuyển đổi sang tiền mặt gửi tiết kiệm.

Không đồng ý với cách giải quyết này, chị H. dọa rút hết sổ tiết kiệm đang gửi thì lãnh đạo phòng giao dịch hứa sẽ xem xét có thể cho chị H. được miễn 90% phí gửi vàng, chỉ phải nộp 2.000 đồng/lượng. Mặc dù được ưu đãi, chị H. vẫn không yên tâm vì không biết NH có tiếp tục thất hứa hay không. “Một người bà con của tôi gửi 60 lượng vàng ở NH vừa phải nhận lại vàng, đang lo lắng tìm nơi cất trữ mới” - chị H. kể.

Lãnh đạo một NH cho rằng các NH thương mại hiện không còn mặn mà giữ hộ vàng do dịch vụ này chỉ còn duy nhất lợi nhuận từ thu phí, không còn được “mượn tạm” làm tài sản thế chấp, vay mượn.

Không được khơi thông

Các chuyên gia kinh tế nhận định trong cuộc “rượt đuổi” chính sách quản lý thị trường vàng, người dân từng nhiều lần hoang mang trước thông tin có thể không được mua bán vàng miếng phi SJC, NH ngưng huy động và cho vay vàng và gần đây là trạng thái đóng - mở thất thường của dịch vụ giữ hộ vàng. Nhưng trái với kỳ vọng của cơ quan ban hành chính sách, người nắm giữ vàng tuy bị làm khó nhưng cũng không đồng loạt chuyển đổi thành tài sản khác.

Ở tầm vĩ mô, NH Nhà nước đã gần như hoàn tất giai đoạn chấm dứt quan hệ tín dụng huy động - cho vay bằng vàng để chuyển sang giai đoạn tiếp theo là quan hệ mua bán. Trong những phiên đấu thầu vàng đầu tiên, 2 tuyên bố quan trọng của NH Nhà nước là chênh lệch giá vàng sẽ thu hẹp sau 1 tuần đấu thầu và nhu cầu vàng sẽ giảm sau ngày 30-6 (thời điểm tất toán xong trạng thái vàng) đến nay đều chưa đạt được. Thị trường vẫn như “chiếc thùng không đáy” khi vàng bán ra bao nhiêu được mua hết bấy nhiêu, khoảng cách chênh lệch giá giãn rộng.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ quan ngại với nhu cầu vàng còn lớn, dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng nếu tiếp tục nhập vàng đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế tiếp tục kéo dài sẽ kích thích hoạt động buôn lậu. “Chính sách độc quyền vàng hiện nay có thể khiến nhiều rủi ro bị nén lại và đến một ngưỡng nhất định sẽ bùng phát” - ủy ban này nhận định.

Riêng mục tiêu lớn nhất của chính sách quản lý thị trường vàng là chuyển hóa tài sản quan trọng này thành vốn đưa vào nền kinh tế đến nay vẫn chưa có đáp án. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, NH Nhà nước cấm tín dụng vàng nhưng không xây dựng được thị trường vàng phái sinh là nguyên nhân chính khiến cho vàng đột ngột trở nên khan hiếm. Nếu tiếp tục chính sách như hiện nay, NH Nhà nước có thể phải nhập thêm cả trăm tấn vàng, tương đương 4-5 tỉ USD mới có thể bảo đảm nhu cầu giữ và giao dịch vàng của người dân như trước...

Như vậy, số vàng người dân đang nắm giữ đang bị đóng băng, vàng nhập khẩu về đáp ứng nhu cầu thanh khoản của thị trường cũng sẽ tiếp tục đóng băng, càng khiến thị trường vàng bị chôn vốn. Đây sẽ là một sự lãng phí rất lớn.

Đã bán gần 62 tấn vàng qua đấu thầu

Giá vàng trong nước ngày 27-9 đảo chiều giảm nhẹ khoảng 80.000 đồng/lượng so với ngày hôm trước. Tính đến cuối ngày, giá vàng miếng do Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 37,3 triệu đồng/lượng mua vào và 37,48 triệu đồng/lượng bán ra.

Trong phiên đấu thầu vàng sáng cùng ngày (phiên đấu thầu thứ 62), NH Nhà nước gọi thầu 15.000 lượng, bán được 14.600 lượng. Giá trúng thầu dao động từ 37,36-37,39 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau 62 phiên đã có 1,611 triệu lượng vàng được bán ra, tức gần 62 tấn vàng.

Giá vàng thế giới cùng ngày giảm khoảng 10 USD xuống 1.325 USD/ounce, quy đổi 33,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 3,7 triệu đồng. Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới sụt giảm là do nhà đầu tư lo ngại Mỹ có thế cắt giảm gói kích thích kinh tế vào tháng 10 tới. V.Vinh


 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo