Tại cuộc hội thảo do Thời báo Kinh tế VN tổ chức ngày 7-4, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chống lạm dụng độc quyền để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu Việt.
Kiểm soát giá chuyển giao
Hiện tại, VN đã và đang thu hút nhiều công ty đa quốc gia của nước ngoài. Với phương châm “Tối đa hóa lợi nhuận, tối thiểu hóa số thuế phải nộp trên phạm vi toàn cầu”, vấn đề độc quyền luôn là mục tiêu mà các công ty đa quốc gia hướng đến tại các phân khúc thị trường cụ thể. Và chính sách định giá chuyển giao là công cụ để đạt mục đích này. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Học viện Tài chính Phân viện TPHCM, cảnh báo: Thủ thuật định giá chuyển giao giai đoạn thứ nhất là định giá cao máy móc thiết bị để làm tăng tỉ trọng góp vốn trong liên doanh. Giai đoạn 2, ấn định giá bán sản phẩm thấp trong khi vẫn định giá cao yếu tố đầu vào do công ty mẹ cung cấp làm liên doanh lỗ, dẫn đến áp lực tăng vốn để loại bỏ đối tác trong nước và chiếm lĩnh thị phần. Giai đoạn thứ 3, định giá bán sản phẩm cao để đạt được lợi nhuận độc quyền. Điều này thể hiện rõ nhất ở ngành dược phẩm tại thị trường VN hiện nay. Báo cáo của Cục Thuế Đồng Nai cũng cho biết, trung bình có khoảng 1/2 số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động thua lỗ, trong đó “hầu hết các DN lỗ đều có doanh thu tăng đều đặn và tiếp tục mở rộng sản xuất”. Trong khi đó, các DN khác thành lập trong khoảng thời gian tương tự, sản xuất cùng một loại sản phẩm lại có lời chỉ sau 2-3 năm hoạt động. Tình hình này cũng phổ biến ở TPHCM và Bình Dương là các địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong cả nước. Ở Hải Phòng đã có DN nước ngoài khi bán sản phẩm tại VN đã tăng giá lên 30%-54% so với giá bán cho công ty mẹ.
“Thượng đế” không được bảo vệ
“Chúng tôi đang du lịch trên đất nước mình”, “Thượng đế không được bảo vệ...”. Đó là lời kêu cứu từ phía người tiêu dùng và các nhà sản xuất trong nước trước sức ép của các công ty đa quốc gia đang sử dụng ưu thế về tài chính để kiểm soát hệ thống phân phối khống chế thị trường VN. Ông Đặng Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc Daso Group, nói: “Họ sẵn sàng sử dụng tiềm lực tài chính, “chịu lỗ” không chỉ 5-10 năm mà đến 50 năm để thống lĩnh thị trường VN”. Đại diện Công ty Cà phê Trung Nguyên cho rằng các thương hiệu đa quốc gia bằng sức mạnh tài chính của mình đang kiểm soát một cách tuyệt đối tất cả các kênh tiếp cận với người tiêu dùng. “Người tiêu dùng VN đang bị bao vây bởi hình ảnh và thông điệp tràn ngập thương hiệu ngoại”. Theo ông, sẽ không có gì đáng lên án nếu trong dòng chảy đó không ẩn chứa những bất hợp lý khi ngân sách quốc gia bị thất thu về thuế, trong khi các thương hiệu ngoại lại dần được củng cố vị trí với người tiêu dùng VN. Còn những thương hiệu Việt với hầu hết là DN vừa và nhỏ sẽ phải rời bỏ thị trường... Đứng ở góc độ người tiêu dùng, tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiền cho rằng người VN đang phải chịu nhiều loại hàng hóa, dịch vụ với giá cao nhất khu vực và đang bị cướp đi quyền lựa chọn những sản phẩm ưa thích phù hợp với túi tiền và nhu cầu. “Chúng tôi buồn bã và xấu hổ nếu suốt đời phải xài hàng ngoại trên chính quê hương mình, chẳng khác nào một du khách lạ”- ông nói.
Bình luận (0)