PGS.TS Đàm Xuân Hiệp - Tổng thư ký Hội Điện lực Việt Nam, Hiệu trưởng trường ĐH Điện Lực cho rằng, chính vì giá điện ở Việt Nam còn thấp và "bị nén" quá mức dẫn đến thị trường điện bị "méo mó".
Nguyên nhân chính, theo PGS.TS. Hiệp là ngành điện luôn trong tình trạng "đói" vốn. Về lý thuyết, giá điện hợp lý bằng chi phí biên dài hạn. Song theo tính toán, giá điện ở nước ta mới xấp xỉ 60-70% chi phí- biên dài hạn. Cụ thể, giá điện trung bình đang ở mức 5 cents bán cho các hộ dân dụng, gần đây mới tăng lên 6,5 cents, trong khi chi phí biên dài hạn là 8-9 cents.
Cũng vì giá thấp nên thời gian trả nợ (vay vốn ngân hàng) thường phải kéo dài. Do đó, nhiều ngân hàng khó có thể chấp nhận. Chưa kể hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam về lực rất yếu, trong khi các ngân hàng nước ngoài gần như chưa vào cuộc (nếu có thì họ cũng tìm cách “tạo sức ép”). Như vậy, để có vốn cho đầu tư phát triển điện chỉ còn mỗi cách là tăng giá điện.
Còn ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thì nói thẳng, thị trường điện đã bắt đầu thực hiện thị trường bán buôn cạnh tranh nhưng thực tế chưa hề có thị trường cạnh tranh nào. "Thực chất chỉ có mỗi đơn vị thực thi là EVN, một người vừa đóng vai "bán" vừa đóng vai "mua" thì cạnh tranh với ai?" – ông Ngãi đặt câu hỏi.
Ngay như hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy phát điện độc lập và EVN cũng thế, trước đây các nhà đầu tư thủy điện nhỏ muốn có giấy phép thủ tục đầu tư thì buộc phải ... ký đại với mức giá thấp khoảng 400-500 đồng/kwh. Nhưng nay, khi giá điện bán buôn đã lên 800-900 đồng/kwh, giá điện lên cao rồi nhưng giá mua điện của các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn chưa được điều chỉnh.
Cũng cho rằng, các nhà máy thủy điện nhỏ đang bị "bắt chẹt" khi phải bán cho EVN với giá rất rẻ, ông Hoàng Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Tiến bức xúc, "mỗi lần đàm phán giá bán điện cho EVN không dưới 3 lần, mà nếu không bán cho EVN thì bán cho ai, vì có mỗi EVN là nhà mua buôn điện duy nhất!".
Ngay như mỗi đợt tăng giá điện thêm 5 hay 10% nhưng thực chất chỉ là tăng giá cho EVN chứ các nhà máy phát điện độc lập chẳng được "lợi hay thêm đồng nào". "Mua rẻ bán đắt" song EVN vẫn liên tục "than lỗ", chỉ khổ cho các DN thủy điện nhỏ chúng tôi".
Với mức giá điện thấp như vậy, PGS.TS Đàm Xuân Hiệp trần tình, lợi nhuận do đó sẽ không thể tích lũy hoặc tích lũy không đủ cho tái đầu tư. Để có nguồn vốn cho đầu tư phát triển điện chỉ còn mỗi cách tăng giá điện!.
"Cần phá bỏ độc quyền ngành điện và cố gắng đến năm 2015 thì làm được điều đó chứ không nên kéo dài tới năm 2020", ông Đỗ Văn An - Công ty CP Quan hệ quốc tế đầu tư và phát triển nhấn mạnh.
Về cơ chế giá mua điện đối với các nhà máy thủy điện nhỏ, ông Phạm Công Nhân – Chủ tịch Hội DN Hà Giang cũng đề xuất, đối với các nhà máy thủy điện có đường dây tải điện từ nhà máy đến điểm đấu nối từ 3 km trở lại, thì ngành điện mua theo giá quy định chung. Nếu điểm đấu nối xa hơn từ 3km trở lên thì cứ 1km ngành điện mua tăng giá lên từ 0,7-1% theo giá chung. Như thế, sẽ giảm bớt khó khăn thiệt thòi cho các nhà máy điện ở xa đường dây quốc gia, mà ngành điện không phải bỏ tiền ra đầu tư lớn một lần.
Trên cơ sở đó, có 2 việc mà ngành điện phải làm đồng thời khi tăng giá điện: Thứ nhất, cớ cấu lại biểu giá điện và định giá theo thời gian sử dụng. Nhà nước cũng có thể quy định về cơ chế “tự động điều chỉnh giá hằng năm” như một số nước vẫn làm, trong đó giá năm nay (một số dịch vụ nào đó) tự động tăng theo mức tăng của chỉ số tiêu dùng(hoặc chỉ số lạm phát) của năm trước đó….Thứ hai, là tái cấu trúc và cải tổ ngành điện. Cách này phải làm từng bước và có lộ trình.
Bình luận (0)