Trao đổi với Báo Người Lao Động, anh P.D.K (làm trong ngành tài chính tại TP HCM) cho biết anh choáng ngợp với cách tính lãi suất trả chậm thẻ tín dụng của ngân hàng HSBC Việt Nam.
Cụ thể, tháng trước anh K., chuyển nhà nên có mua thêm một ít vật dụng khiến tiền thanh toán thẻ tín dụng tháng 4 lên hơn 100,4 triệu đồng, kỳ hạn trả trước 16-5.
Trước kỳ đến hạn, ngày 7-5, anh ra ngân hàng để nộp vào máy ATM của HSBC 100 triệu đồng (do chỉ cho nộp hạn mức tối đa là 100 triệu đồng/ngày) và tính ngày sau nộp tiếp hơn 400.000 đồng còn lại. Nhưng do bận rộn và cũng chủ quan nghĩ hơn 400.000 đồng nếu bị tính lãi cũng chỉ vài chục ngàn đồng nên để luôn đến kỳ sao kê tháng 5.
Đến ngày 21-5, anh K., xem sao kê mới tá hỏa, thấy lãi gần 3 triệu đồng nghĩa là gấp 7,5 lần số tiền gốc anh còn nợ là hơn 400.000 đồng, tương đương lãi suất gần 650%/tháng. Anh gọi lên tổng đài và đến ngân hàng để khiếu nại thì được giải thích là tiền lãi tính luôn hơn 100 triệu đồng tiền tháng trước cộng với 400.000 đồng dư nợ và cả 27 triệu đồng quẹt thẻ sau đó (mà kỳ hạn của 27 triệu đồng này đến giữa tháng 6 mới phải trả)?
Dù đã thanh toán 100 triệu đồng đúng hạn, thiếu hơn 400.000 đồng nhưng anh K., bị tính lãi trả chậm cho toàn bộ 100,4 triệu đồng. Ảnh: L.Anh
"Thẻ tín dụng cũng là khoản vay, tại sao 100 triệu đồng đã trả và 27 triệu đồng chưa đến hạn mà khoản 27 triệu đồng này được cam kết miễn lãi trong 55 ngày chưa đến hạn cũng bị tính lãi trả chậm? Nhân viên ngân hàng trong bản sao kê có ghi phía dưới và mở thẻ có hợp đồng. Tôi có hỏi một số ngân hàng chỉ tính lãi trả chậm trên khoản tiền chưa thanh toán?" - anh K., bức xúc.
Anh K., cho biết mình là khách hàng lâu năm tại HSBC Việt Nam, luôn trả dư nợ hằng tháng đúng hạn. Và dù làm trong ngành tài chính gần 20 năm, anh vẫn không biết và hiểu hết quy định, vậy người không thuộc ngành này sẽ bối rối thế nào? Việc tính lãi như vậy là đẩy thế khó cho khách hàng và anh K. cho rằng không chỉ anh mà rất nhiều chủ thẻ tín dụng khác cũng chỉ hiểu là nợ còn bao nhiêu thì trả lãi trên phần đó, "lần đầu tiên mới biết nợ chưa trả hay trả rồi cũng bị tính hết, mức lãi trả chậm vậy là quá cao" - anh K nói.
Anh K. đem câu chuyện này kể cho các bạn bè của mình và nhiều người cho biết cũng từng bị tương tự nhưng do số tiền nhỏ nên không khiếu nại hoặc làm lớn chuyện. Cũng theo những khách hàng này, khi mở thẻ tín dụng nhân viên ngân hàng không hề nói rõ về cách tính lãi như vậy khiến họ vô cùng bức xúc.
Hiện nhiều ngân hàng áp dụng cách tính lãi trả chậm trên tổng dư nợ chi tiêu trong kỳ thanh toán. Ảnh: L.Anh
Trả lời Báo Người Lao Động, sáng 23-5, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết các chính sách thanh toán thẻ tín dụng của ngân hàng này được công bố minh bạch và công khai trên trang web của ngân hàng và trên hợp đồng dịch vụ giữa người dùng thẻ và ngân hàng. Hằng tháng, người dùng thẻ cũng nhận được bảng sao kê, trong đó in rõ những ghi chú quan trọng và tầm quan trọng của việc thanh toán dư nợ đầy đủ.
Thẻ tín dụng mang đến sự thuận tiện cho người dùng và đây hiện là một trong các phương pháp thanh toán hỗ trợ xu hướng không dùng tiền mặt của người Việt Nam. Để tận dụng được tất cả những tiện ích của thẻ tín dụng và phục vụ nhu cầu của bản thân một cách hiệu quả, người dùng thẻ nên lưu ý tất cả những tiện ích cũng như chính sách mà các tổ chức phát hành thẻ cung cấp, bao gồm chính sách thanh toán.
Một trong những lợi ích mà người dùng thẻ tín dụng là thời gian miễn lãi tối đa được hưởng khi thực hiện giao dịch mua hàng. Đối với thẻ tín dụng của HSBC, tùy thuộc vào từng loại thẻ, thời gian miễn lãi tối đa là 45 - 55 ngày kể từ ngày giao dịch phát sinh. Người dùng thẻ tín dụng chỉ có thể được hưởng thời gian miễn lãi này khi số dư cuối kỳ được nêu trên bảng sao kê đã được thanh toán đầy đủ và được ngân hàng ghi nhận trước hoặc đúng ngày đến hạn thanh toán.
"Trong trường hợp người dùng thẻ tín dụng không thanh toán đầy đủ tổng số dư nợ cuối kỳ trước hoặc đúng ngày đến hạn thanh toán, tiền lãi sẽ được tính trên toàn bộ số dư kể từ ngày giao dịch phát sinh và trên tất cả giao dịch mới (kể từ ngày giao dịch phát sinh) cho đến khi toàn bộ số dư chưa thanh toán được thanh toán đầy đủ" - đại diện HSBC Việt Nam giải thích.
Theo tìm hiểu của PV, không ít trường hợp chủ thẻ tín dụng bị tính lãi trả chậm rất cao trên tổng số dư đã tiêu dùng, dù chỉ còn vài chục ngàn đồng hoặc vài trăm ngàn đồng chưa thanh toán. Dù đây là quy định của ngân hàng và các tổ chức phát hành thẻ nhưng đang gây tranh cãi gay gắt.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng cách tính lãi trả chậm này không ổn vì nếu khách hàng thanh toán thiếu 10.000 đồng cho toàn bộ chi tiêu trong tháng là 100 triệu đồng, sẽ bị tính lãi cho tổng số tiền phát sinh trong tháng. Khi đó, lãi suất trả chậm sẽ cao ngất ngưởng. Nhiều nhân viên chuyên về thẻ tín dụng hoặc những người am hiểu biết quy định này nhưng khách hàng thường ít được lưu ý, cảnh báo.
Giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng cổ phần lớn trụ sở Hà Nội cho biết trong hợp đồng phát hành thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng trong nước và nước ngoài đều có quy định rõ điều khoản này, lãi suất trả chậm theo thỏa thuận. Ở trường hợp của anh K., chủ thẻ tín dụng này đã sử dụng 100 triệu đồng của ngân hàng gần 55 ngày không lãi suất và thực tế để được lãi suất 0% phải kèm các điều kiện ràng buộc của ngân hàng.
"Tại sao kê thẻ tín dụng gửi cho khách hàng hằng tháng, ngân hàng tôi đều ghi rõ mặt trước là số tiền khách hàng phải thanh toán và mặt sau là quy định về các loại phí, lãi suất trả chậm... gửi cho chủ thẻ trước 10-12 ngày trước kỳ thanh toán" – vị giám đốc trung tâm thẻ này phân tích.
Bình luận (0)