Trước việc Bộ Tài chính đòi chia cổ tức bằng tiền mặt, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã CK: BID) Trần Bắc Hà khẳng định sẵn sàng trả lại cho ngân sách nếu có ý kiến cuối cùng của cấp chủ sở hữu Nhà nước và Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà cũng chia sẻ nếu ngân sách vẫn quyết đòi cổ tức trong bối cảnh các ngân hàng đang rất cần nguồn lực để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính thì chẳng khác nào "vắt chanh cho kiệt". "Đến lúc nào đó các ngân hàng sẽ tê liệt, không hoàn thành được mục tiêu tái cơ cấu, không nâng cao được tiềm lực để tiếp tục đổi mới và phát triển, giảm khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế" - ông Hà chia sẻ.
Ông Trần Bắc Hà cho rằng ngân sách nên nuôi dưỡng nguồn thu và tạo điều kiện cho các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính. Ảnh: Nhật Minh.
Chủ tịch BIDV cũng dẫn lại một loạt thống kê để thấy rằng trong 5 năm 2011-2015, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã đóng góp đáng kể vào thu ngân sách Nhà nước. Riêng BIDV đã nộp gần 14.000 tỉ đồng, bao gồm cả thuế thu nhập và cổ tức.
Riêng trong năm 2015, ngành ngân hàng đóng góp khoảng 16.000 tỉ đồng, chiếm 1,6% tổng thu ngân sách và một nửa số này đến từ các nhà băng có vốn Nhà nước.
Tương tự, số liệu từ Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng cho thấy riêng tiền cổ tức nhà băng này nộp cho ngân sách trong 5 năm cũng gần 10.000 tỉ đồng.
Riêng với lợi nhuận năm 2015, cả hai ngân hàng BIDV và VietinBank đều mong muốn được giữ lại để góp phần tăng vốn vì năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại Nhà nước đang suy giảm. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của khối ngân hàng thương mại Nhà nước từ mức 10,8% năm 2011 đã xuống 9,4% (gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Mức này cũng thấp hơn tỷ lệ CAR bình quân 10,3% của các nước trong ASEAN. Chưa kể, nếu tính theo chuẩn Basel II, tỷ lệ CAR trung bình của khối có thể giảm thêm 1,3%.
Do đó, các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu BIDV còn khuyến cáo nếu các ngân hàng quốc doanh không tăng được vốn sẽ không đủ đáp ứng cho nền kinh tế, tăng trưởng GDP giảm theo 0,5-0,6% và không đạt mục tiêu đề ra.
Nhóm nghiên cứu của BIDV cho biết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng năm nay, CAR của các ngân hàng phải tăng hơn 20% so với 2015 theo lộ trình thực hiện chuẩn Basel hiện nay. Riêng với BIDV, nhà băng này phải tăng vốn thêm 9.400 tỉ đồng.
"Nếu không tăng được vốn thì tín dụng toàn ngành chỉ tăng được 7-8% trong khi mục tiêu để đạt tăng trưởng phải là 18-20%. Trong bối cảnh ngân hàng vốn Nhà nước chiếm 50% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, nguy cơ vốn ngân hàng đóng góp cho tăng trưởng GDP cũng suy giảm theo và ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của GDP" - lãnh đạo BIDV nói.
Bên cạnh việc đề xuất Chính phủ cho phép giữ lại cổ tức, BIDV còn kiến nghị Thủ tướng đồng ý cho các ngân hàng thương mại Nhà nước sử dụng nguồn thặng dư do giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước từ bán vốn chiến lược để tạm ứng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và tăng vốn.
Phương án này có thể làm giảm nguồn thu của ngân sách trong ngắn hạn nhưng theo đánh giá của BIDV, mức giảm không đáng kể và sau năm 2020, khi năng lực tài chính đã ổn định, các ngân hàng còn có thể chuyển trả toàn bộ thặng dư có được từ việc thoái vốn của Nhà nước.
"Chính phủ cần nhất quán quan điểm không để ngành ngân hàng gánh quá nhiều trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm của chính sách tài khóa" - báo cáo của BIDV nhấn mạnh.
Bình luận (0)